Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc là sáng kiến được triển khai tại Việt Nam từ năm 2019. Sáng kiến hướng tới thúc đẩy môi trường chăm sóc thân thiện, nơi mẹ và trẻ được da kề da sau khi sinh, trẻ được bú sớm và bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở bệnh viện dù sinh thường hay sinh mổ. Theo kết quả khảo sát sản phụ từ quý I/2019 tới quý II/2022 tại 28 cơ sở y tế đầu tiên tham gia sáng kiến, tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở viện đạt bình quân 90%. Tỷ lệ da kề da ít nhất 90 phút sau sinh đã tăng lần lượt 44% và 24% trên tổng số các ca sinh thường và sinh mổ.
Là một phần của sáng kiến, danh hiệu Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế các tỉnh xét duyệt, trở thành thước đo quan trọng giúp đánh giá chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
“Danh hiệu có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với một đơn vị tuyến huyện tại vùng cao như Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar. Dù còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất và nhân lực, toàn bộ đội ngũ Trung tâm đã nỗ lực hết mình để thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ trên địa bàn toàn huyện và cung cấp các hỗ trợ cần thiết tới cộng đồng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số”, bác sĩ Bùi Nam Ơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar chia sẻ.
Huyện Cư M’gar là nơi sinh sống của 26 dân tộc anh em, trong đó cộng đồng thiểu số chiếm 46% dân số toàn huyện. Tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế và nguồn thu nhập còn nhiều hạn chế khiến cho một số cộng đồng trên địa bàn gặp khó khăn trong việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu sau sinh và kéo dài tới 24 tháng hoặc lâu hơn.
“Tại Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, các y bác sĩ không chỉ tuân thủ hướng dẫn của WHO và Bộ Y tế về nuôi con bằng sữa mẹ trong các ca sinh. Họ còn đóng vai trò tư vấn viên trong suốt thai kỳ và sau khi em bé chào đời, giúp các gia đình hiểu rõ vai trò của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ, đồng thời giảm bớt gánh nặng kinh tế khi phải chi trả cho các sản phẩm thay thế sữa mẹ và các chi phí y tế liên quan khi trẻ nhiễm bệnh,” ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đánh giá.
Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar là một trong những đơn vị đầu tiên tại tỉnh Đắk Lắk đăng ký triển khai sáng kiến. Trung tâm đã cử cán bộ chuyên trách tham gia tập huấn nâng cao năng lực về chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, tư vấn và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và cam kết nói không với việc quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Kết quả khảo sát từ sản phụ về chất lượng dịch vụ trong quý III/2022 cho thấy 100% ca sinh thường và 76% ca sinh mổ tại Trung tâm được tiếp xúc da kề da ít nhất 90 phút sau khi sinh, đồng thời 100% trẻ sinh thường và sinh mổ được bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở viện.
Phát biểu tại lễ trao danh hiệu, ông Roger Mathisen, Giám đốc Alive & Thrive Đông Á Thái Bình Dương khẳng định: “Alive & Thrive đồng hành cùng Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh để nhân rộng sáng kiến, mang lại chất lượng chăm sóc tốt hơn tới các bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Cư M’gar. Hy vọng rằng trong vài năm tới, khi nhìn lại dấu mốc của Cư M’gar ngày hôm nay, mỗi huyện vùng cao trên khắp cả nước sẽ có một Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc.”
Ông Sean Farrell, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam nhấn mạnh: “Bằng việc cải thiện dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em thuộc các cộng đồng thiểu số dễ bị tổn thương ở Việt Nam, Ireland tự hào hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số.”
Cũng trong dịp này, 18 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tham gia hội thảo tổng kết để tìm hiểu về sáng kiến Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc. Từ những kết quả đạt được tại Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đang có kế hoạch nhân rộng mô hình tại các cơ sở y tế có dịch vụ sản, nhi trên địa bàn tỉnh.