Theo phản ánh của Trần Ngọc Đông (Quảng Nam), Khoản 11, Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-thương binh và Xã hội có quy định căn cứ cấp giấy báo tử là "những trường hợp hy sinh từ ngày 31/12/1994 trở về trước đã được ghi là liệt sĩ trong giấy báo tử trận; Huân chương; Huy chương; Giấy chứng nhận đeo Huân chương; Giấy chứng nhận đeo Huy Chương; Bảng vàng danh dự; Bảng gia đình vẻ vang; danh sách liệt sĩ lưu trữ tại các trung đoàn và tương đương trở lên; lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản; báo cáo hàng năm từ trước năm 1995 của các cấp ủy đảng được lưu giữ tại các cơ quan có thẩm quyền của Đảng".
Ông Đông đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, theo quy định trên, nếu lấy lịch sử Đảng bộ từ cấp xã trở lên làm căn cứ thì có yêu cầu lịch sử Đảng bộ đó phải được xuất bản trước năm 1995 không, hay xuất bản thời gian nào sau năm 1995 cũng đủ cơ sở để làm căn cứ? Thông tin ghi trong lịch sử Đảng bộ là mất tin, mất tích, không ghi là đã hy sinh và không có thông tin thời gian hy sinh, địa điểm hy sinh thì có đủ cơ sở để làm xác lập hồ sơ không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 11, Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, người hy sinh trước ngày 31/12/1994 trở về trước được ghi nhận là liệt sĩ trong lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản thì được xem xét, lập hồ sơ, cấp giấy báo tử đề nghị xác nhận là liệt sĩ, không quy định cần thời gian xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ trước năm 1995.
Về xác nhận liệt sĩ đối với trường hợp mất tin, mất tích, theo quy định tại Khoản 9, Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH, người hy sinh trong trường hợp mất tin, mất tích nếu có phiếu xác minh (mẫu LS2) của cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an thì được xem xét lập hồ sơ, cấp giấy báo tử đề nghị xác nhận là liệt sĩ.