Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng phối hợp với bệnh viện Ung Bướu Tp. Hồ Chí Minh, dưới sự tài trợ của VP Đại Diện Hoffmann- La Roche đã tổ chức Hội thảo - “Tiếp cận toàn diện trong kiểm soát ung thư vú” nhằm chia sẻ về phương phát tiếp cận toàn diện trong kiểm soát ung thư vú (bao gồm tầm soát và điều trị). Chương trình có sự tham gia của hơn 200 Bác sỹ trong lĩnh vực điều trị ung thư và sự hiện diện của các chuyên gia đầu ngành, cùng các chuyên gia Ung thư quốc tế, gồm GS. Antonio Lombart, GS Nadia Harbeck, GS Indraneel Mittra – “cha đẻ” của Đơn vị Điều trị chuyên về ung thư vú và những thử nghiệm ngẫu nhiên lớn nhất trong sàng lọc ung thư vú và cổ tử cung trên thế giới.
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, các Bác sỹ và chuyên gia Quốc tế cũng có cơ hội thảo luận, củng cố kiến thức và báo cáo về phương pháp “Điều trị ung thư vú HER2+ tiếp cận trên từng nhóm bệnh nhân”. Ung thư vú HER2 dương tính (HER2+) là một trong những loại ung thư vú khá phổ biến và phát triển nhanh hơn so với các trường hợp UTV còn lại. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư – bệnh viện K, mỗi năm có khoảng 12.000 trường hợp mới mắc căn bệnh ung thư vú (UTV). Trong đó 25% số ca được chẩn đoán là ung thư vú HER2 dương tính. Trong số các phương phát điều trị bệnh nhân ung thư vú dương tính với HER2 được biết đó là phương pháp nhắm trúng đích, đòi hỏi sự cá thể hóa trên từng bệnh nhân. Với cuộc hội thảo chuyên sâu về điều trị ung thư vú HER2+, các Bác sỹ và chuyên gia đầu ngành sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm và tình huống lâm sàng, góp phần mang thêm niềm hi vọng sống còn cho bệnh nhân.
Phát biểu tại hội thảo, BSCKII Diệp Bảo Tuấn cho biết: “Ung thư vú là căn bệnh ung thư rất thường gặp trên thế giới và tại Việt Nam. Ở nữ, nguy cơ mắc ung thư vú trung bình là khoảng 1/8 trong suốt cuộc đời. Điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp điều trị khácnhư liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích) và thực tế đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là việc điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm. Giai đoạn của bệnh lúc được chẩn đoán càng sớm thì dự hậu của bệnh nhân càng tốt. Những chia sẻ và cập nhật trong buổi hội thảo hôm nay chắc chắn sẽ góp thêm nền tảng và kiến thức cho các chuyên gia đầu ngành và các Bác sỹ ung thư một cách tiếp cận toàn diện trong điều trị ung thư vú”
Sự tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú không những có ý nghĩa cho chính người bệnh nhân mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội to lớn như đã được chứng minh tại nhiều cộng đồng cư dân trên thế giới.
Mặc dù trong những năm gần đây, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh ung thư vú đã được triển khai tại các tỉnh/thành phố nhưng vẫn còn một tỷ lệ đáng kể các trường hợp khi được chẩn đoán thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Ông Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sang chia sẻ: “Việc điều trị ung thư vú mang đến kết quả tốt nhất luôn luôn phải đòi hỏi sự tiếp cận toàn diện: từ việc tầm soát và điều trị. Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh tới hơn 80%, ở giai đoạn 2, tỉ lệ này sẽ là 60%, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn 4 thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn. Hội thảo hôm nay sẽ là tiền đề để các chuyên gia ung thư đầu ngành tiếp tục cập nhật và cũng cố, xây dựng phương pháp kiểm soát ung thư cách toàn diện và hiệu quả hơn”