Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình thời tiết trong 6 tháng cuối năm 2021, nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020.
Tuy nhiên, thời gian tới khả năng vẫn sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức xấp xỉ 41 - 42 độ C, xảy ra vào khoảng nửa đầu tháng 7 tới.
Trong năm nay, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có ảnh hưởng đến Việt Nam có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng 12 - 14 cơn bão, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng 5 - 7 cơn bão).
Cơ quan khí tượng quốc gia khuyến cáo cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc trong những tháng mùa mưa bão. Mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11/2021 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.
Mưa lớn cục bộ nhiều khả năng sẽ gây ra tình trạng ngập úng tại các đô thị và các khu vực trũng, thấp; nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực phía Bắc và thượng lưu các sông ở Trung Bộ.
Tại ven biển Trung Bộ, hiện tượng xói lở bờ biển tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, nhất là trong các đợt triều cường kết hợp với gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, về diễn biến thủy văn, từ tháng 7 đến tháng 12/2021, nguồn nước trên các lưu vực sông ở Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt 20-40%, nhất là lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.