Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cổ tích xanh giữa miền cát trắng

Hàng ngàn ha cát trắng trải dọc theo bờ biển Hà Tĩnh từng là nỗi ám ảnh khủng khiếp của bao thế hệ ở đây! Nhưng bây giờ thì mọi thứ đã đổi khác, bởi nó đang được phủ lên màu xanh bạt ngàn, với những cánh đồng rau, củ, quả cùng với hoa.

 

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại địa phương. 

 

Thành công ngoài mong đợi 

Hà Tĩnh, dải đất hẹp nằm giữa miền Trung có tới hơn 4.000 ha diện tích cát trắng ven biển, chạy theo chiều dài hơn 137km từ cửa Hội vào tận đèo Ngang. Vào mùa hè nhiệt độ trung bình lên tới 40-50 độ C, ngược lại mùa đông nhiều lúc hạ xuống dưới 10 độ C. Những triền cát trắng mênh mông vô cùng khắc nghiệt như “sa mạc chết” tồn tại từ xa xưa đã ám ảnh bao thế hệ. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn đằng đẵng hàng thế kỷ, bao làng mạc, xóm thôn thưa thớt lùi lại phía sau những bờ rào dứa dại còi cọc, luẩn quẩn trong cái vòng đói nghèo của bao cuộc đời giữa xứ cát.

Đó là câu chuyện chưa xa, diễn ra cách đây chưa đầy 3 năm, còn bây giờ mọi thứ đã đổi thay. Trên vùng hoang mạc cằn khô ấy đang dần nhường chỗ cho màu xanh hoa trái, với những cánh đồng rau, củ, quả sạch bạt ngàn, mà chính những người làm ra nó cũng không dám tin vào mắt mình. Họ cũng không nghĩ rằng, chính họ đang viết lên những “câu chuyện cổ tích màu xanh” giữa miền cát trắng này!.

Có ai hay, con đường dẫn đến thành công của dự án trồng rau trên cát ở Hà Tĩnh lại bắt đầu vào mùa hè năm 2013, ngay giữa lúc thời tiết ở đây đang lên tới đỉnh điểm của nắng nóng! Đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh do ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đi tham quan một số mô hình kinh tế nông nghiệp tại Trung Quốc. Trong chuyến đi đoàn đã đến đảo Đông San (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), và điều làm cho mọi người hết sức bất ngờ là mặc dù cách xa về địa lí, nhưng ở Đông San lại có điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng gần giống với vùng cát trắng ven biển Hà Tĩnh. Bất ngờ hơn, ngay trên hòn đảo này người dân địa phương lại đang cho canh tác các loại rau, củ, quả sạch có năng suất chất lượng cao, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

 

Niềm vui của người lao động trên cánh đồng rau củ quả sạch.

Nhận thấy cơ hội mở ra cho hàng ngàn ha vùng đất cát ven biển của tỉnh nhà đang bị bỏ hoang, ngay sau chuyến đi ấy, Hà Tĩnh đã nhanh chóng hợp tác với Công ty TNHH Fineton (Hồng Kông), một trong những nhà đầu tư lớn về lĩnh vực nông nghiệp tại đảo Đông San đưa công nghệ và một số giống cây cải bẹ, cải củ, cà rốt, măng tây... về trồng thử nghiệm trên diện tích 12 ha cát trắng tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà). Rất ngạc nhiên, ngay vụ mùa đầu tiên đi vào sản xuất đã đạt được những thành công ngoài mong đợi. Theo đó, 1 ha đất cát sau 45 ngày cho thu hoạch 25 tấn sản phẩm củ cải nhỏ, thu hoạch 40 tấn củ cải to sau 75 ngày, thu hoạch 20 tấn cải bẹ sau 50 ngày và 20 tấn cà rốt sau 80 ngày. Không những cho năng suất cao, mà quan trọng hơn chất lượng sản phẩm được các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao, thông qua ngay kỳ hội chợ giới thiệu các sản phẩm của dự án được tổ chức lần đầu tại TP Hà Tĩnh đầu năm 2014.

“Bà đỡ” cho nông dân

Không nghi ngờ gì nữa, trước thực tế đó, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định giao cho Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh) tiên phong trong việc thực hiện dự án, đồng thời có trách nhiệm kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân để sản xuất và bao tiêu sản phẩm với vai trò của một “bà đỡ”. UBND tỉnh quyết định mở rộng diện tích trồng rau trên cát khắp địa bàn toàn tỉnh. Để khuyến khích việc làm hiệu quả, tỉnh Hà Tĩnh chủ động hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với hình thức: Đối với doanh nghiệp được hỗ trợ 50%; đối với HTX và hộ gia đình tham gia dự án được hỗ trợ 70%.

Với vai trò của mình, Mitraco Hà Tĩnh đã nhanh chóng mở rộng diện tích trồng trọt, từ chỗ 12ha cuối 2013, lên 200 ha vào cuối 2015, tại địa bàn các xã: Thạch Văn, Thạch Trị (huyện Thạch Hà); Thiên Cầm, Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên), đưa hơn 30 giống rau, củ, quả có chất lượng và năng suất cao vào sản xuất. Ngoài ra đơn vị còn liên kết với các doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình thực hiện các mô hình sản xuất rau, củ, quả trên diện tích gần 300 ha, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp, với mức thu nhập từ 3,5 đến 6 triệu đồng/tháng.

 

Đồng rau sắp bước vào vụ thu hoạch.

Ông Bùi Quốc Hoàn, Trưởng ban Dự án rau sạch Mitraco Hà Tĩnh cho biết: “Dự kiến đến năm 2020, Hà Tĩnh sẽ mở rộng trên 2.000 ha diện tích sản xuất khắp địa bàn toàn tỉnh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Hiện tại, đơn vị tiếp tục hợp tác đầu tư áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến từ Đài Loan, Thái Lan, Israel, đồng thời mở rộng thêm hàng loạt diện tích để trồng các giống cây ăn quả khác như: Táo, roi, ổi, thanh long, chanh, mít, xoài và một số giống hoa cây cảnh như hoa hướng dương, hoa sao nhái... được nhập từ châu Âu, dự kiến sẽ tung ra thị trường trong thời gian sớm nhất”.

Sản xuất theo hướng bền vững

Theo tính toán, mỗi năm bà con có thể canh tác 3 vụ. Theo thời giá hiện nay thì 1 kg củ cải lớn, củ cải nhỏ và cải bẹ có giá nhập khoảng 8.000 - 9.000 đồng; cà rốt khoảng 10.000 - 12.000 đồng và măng tây cao nhất từ 70.000 - 80.000 đồng. Riêng đối với măng tây trồng một lần cho thu hoạch liên tục trong vòng 10 năm, trung bình mỗi năm thu hoạch từ 8 - 10 tấn. Theo đó lợi nhuận có được sau mỗi vụ thu hoạch đạt khoảng 70% sau khi trừ hết các khoản chi phí, đạt khoảng từ 100 - 120 triệu đồng/1 ha sản xuất/ 1 vụ mùa. Trong lúc đầu ra sản phẩm đã có “bà đỡ” Mitraco Hà Tĩnh nhận bao tiêu, nên người tham gia dự án không phải chịu áp lực chi phối của thị trường.

Quay lại buổi đầu phôi thai dự án, Hà Tĩnh đã có chiến lược rõ ràng trong đường lối phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó sản phẩm rau, củ, quả sạch làm ra phải đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nội địa trong, đó tập trung lớn nhất phục vụ cho hàng vạn lao động tại khu kinh tế Vũng Áng. Được biết Mitraco Hà Tĩnh đang tích cực xây dựng thêm hệ thống kho bảo quản và nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước thông qua hệ thống các siêu thị trên toàn quốc. Đó là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, đặt nền móng vững chắc và tạo đà cho việc thúc đẩy dự án ngày một phát triển bền vững.

Mặc dù “cuộc cách mạng xanh trên cát trắng” mới thực hiện chưa đầy 3 năm, nhưng không khí tại những vùng quê tham gia dự án đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Làng xóm được chỉnh trang, hệ thống điện, đường, trường, trạm, kênh mương, nhà văn hóa cộng đồng... được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp theo tiêu chí nông thôn mới; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên rõ rệt. Hy vọng trong tương lai gần, câu chuyện “cổ tích màu xanh” sẽ được viết tiếp trên khắp các làng quê khác ở tỉnh Hà Tĩnh.

 

Có thể khẳng định, trước hết dự án sản xuất rau sạch trên vùng cát trắng ven biển Hà Tĩnh không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho người lao động, mà đặc biệt có giá trị tích cực vào việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cải tạo đất... Và người hưởng lợi lớn nhất chính là bà con nông dân vốn bao đời quăng quật ở đó. 

Chị Nguyễn Thị Đông, 38 tuổi, ở xóm Bắc Văn (xã Thạch Văn) tâm sự:"'Năm 2002, tôi lấy chồng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, khi cả hai còn đi làm thuê ở Đà Lạt. Khi hai vợ chồng quyết định về quê chồng tại xứ cát trắng xã Thạch Văn lập nghiệp, tôi không khỏi lo lắng, bởi không biết làm gì để ăn. Thế nhưng, khi biết ở đây có dự án được triển khai, tôi đã bàn với chồng xin vào làm việc tại Mitraco Hà Tĩnh, tham gia sản xuất, làm công ăn lương để đảm bảo ổn định cuộc sống, có điều kiện cho con cái được học hành tiến tới".