Trước đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, mất việc, không thể trụ lại giữa Sài Gòn đắt đỏ và chật chội, người này từng "bỏ phố về quê" với hy vọng kiếm tiền đủ nuôi gia đình nhờ vào mảnh vườn nho nhỏ cha mẹ để lại.
Chỉ sau vài tháng, ông đành quay trở lại Sài Gòn vì "không nơi nào có nhiều cơ hội việc làm như Sài Gòn". Tìm được việc làm với mức thu nhập tạm đủ để nuôi thân và nuôi đứa con gái đang học đại học năm 1 ở cùng thành phố, với ông là điều may mắn và hạnh phúc.
"Cơn bão" Covid-19 quét qua toàn cầu khiến nền kinh tế nhiều nước tê liệt trong thời gian dài, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy và chưa thể dự đoán được chính xác thời điểm hồi phục. Đến giờ tại Việt Nam, không ít người vẫn phải chấp nhận làm việc với mức thu nhập thấp hơn nhiều so với hơn 1 năm trước. Nhưng họ vẫn coi đó là điều may mắn và hạnh phúc. Bởi cuộc sống hiện tại của họ vẫn tốt hơn nhiều so với những người đang không có việc làm, hay phải chạy vạy tìm kiếm những công việc không ổn định để sống qua ngày.
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ từng chia sẻ: "Theo thống kê tháng 5/2020, khoảng 32 triệu lao động bị ảnh hưởng nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước không thể kéo dài hết thời gian dịch mà chỉ được vài tháng nên họ phải sống bằng tiền tích lũy. Có những người qua 1 năm, toàn bộ tiền tích lũy trở về số 0. Khảo sát trên đoạn phố ở Hà Nội, hơn 200 người lao động đã mất việc làm do các nhà hàng đóng cửa. Tôi hỏi vì sao không về quê sống thì họ bảo về quê bị cách ly mà vẫn phải trả tiền thuê nhà ở đây, thà ở đây để tìm việc còn hơn về quê".
Câu chuyện của TS Kiên cho thấy, giá trị của việc làm trong thời buổi hiện nay là vô cùng lớn, có việc làm là niềm hạnh phúc với rất nhiều người.
Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam vừa tăng 4 bậc. Điều đó không quá bất ngờ, bởi Việt Nam thực sự là "điểm sáng" về nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế. Mặc dù số người mất việc, thiếu việc thời gian qua tăng mạnh so với "thời bình thường cũ" nhưng rất nhiều người vẫn có cơ hội việc làm với mức "tạm sống được", gia đình vẫn yên ổn. Chừng đó là đủ để họ cảm thấy hạnh phúc.
Trong khi đó, rất nhiều người dân ở nhiều nước, bao gồm cả những nước có nền kinh tế phát triển, lại cảm thấy "không hạnh phúc" vì mức sống sụt giảm, những thói quen sinh hoạt bị đảo lộn, tương lai bất định...
Thực tế nhiều khó khăn trong quá khứ đã giúp người Việt Nam có khả năng "miễn nhiễm" khá tốt với những biến động, có khả năng sinh tồn để chống chọi với những tai ương. Trong điều kiện khá ngặt nghèo thời dịch bệnh, nhiều người Việt vẫn có cách để "lách qua khe cửa hẹp" tìm cho mình hướng mưu sinh khả dĩ. Vì thế, dù hàng chục triệu người bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập nhưng đại đa số gia đình vẫn sống yên ổn, cho dù phải làm việc vất vả nặng nhọc hơn, chi tiêu dè sẻn hơn, nhiều nhu cầu bị cắt giảm.
Và khi dịch bệnh đang dần được đẩy lùi, nhiều người Việt đã nhìn thấy rất nhiều cơ hội phía trước. Chắc hẳn số đông sẽ biết cách nắm bắt cơ hội, hòa mình vào công cuộc phục hưng nền kinh tế trong điều kiện thị trường việc làm rộng mở. Có lẽ khi đó, cảm giác hạnh phúc trong mỗi người sẽ lớn lao, bền vững hơn...