Ngày 29/12, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật thanh niên trước Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, không phải cứ đi du học không về nước là không đóng góp cho đất nước.
“Quan điểm của cá nhân tôi là cần phải có tư duy thoáng ra. Không phải không về nước là không đóng góp cho đất nước. Không phải không về nước là không yêu nước. Đây là sự cống hiến chung cho nhân loại. Có những trường hợp đưa hình ảnh Việt Nam lên rất cao, ví dụ như giáo sư Ngô Bảo Châu”, ông Thăng nhận định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Không phải không về nước là không đóng góp cho đất nước.
Cũng trong phần trả lời chất vấn của ĐBQH, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng tiết lộ 2 con của ông đi du học nước ngoài cũng không về nước.
“Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về. Ví dụ như thế thì thấy khó thật. Bây giờ tạo việc làm thế nào, thu hút ra làm sao, chúng tôi sẽ có báo cáo Chính phủ để xem lại chính sách", Thứ trưởng Thăng cho hay.
Đánh giá về chính sách thu hút nhân tài của Nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi một đại biểu đặt vấn đề 12/13 nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia không về phục vụ đất nước sau khi du học, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhận xét: "Chính sách thu hút nhân tài vẫn chưa bền vững. Thời gian vừa qua phong trào trải thảm đỏ cũng thu hút về rất nhiều. Ví dụ khuyến khích về lương, phụ cấp, chính sách vay vốn…".
"Đương nhiên, sau khi thu hút về rồi, chính sách sử dụng cũng còn nhiều vấn đề. Cái này, theo Luật Công chức, viên chức, thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng là giao cho Bộ trưởng các bộ và chủ tịch UBND tỉnh. Việc thu hút, sử dụng ra làm sao, môi trường làm việc thế nào, đây là một vấn đề” - ông Thăng tiếp.
Đánh giá về chính sách thu hút nhân tài ở những người Việt trẻ đi du học ít trở về quê hương, PGS.Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: "Lẽ ra người tài phải phục vụ đất nước, nhưng người tài của chúng ta chỉ thích ở nước ngoài đó là một thực tế buồn.
Tôi cho rằng cách sử dụng người tài của nước ta và môi trường hoạt động không tạo điều kiện để họ phát triển khả năng nên họ không về. Chính sách đãi ngộ hiện nay còn bất cập, đãi ngộ không đủ họ nuôi con, chi phí sinh hoạt thì sao họ yên tâm công tác. Đó là thực tế, nhưng bản thân người tài thì đi đâu, ở đâu cũng sống rất đàng hoàng, đầy đủ. Theo đó, muốn thu hút người tài một cách thực sự thì hãy cho họ một môi trường làm việc tốt, được coi trọng đúng mức”.
Theo Phó Giáo sư trẻ nhất nước năm 2013, Lê Anh Vinh (Đại học Quốc gia Hà Nội) hiên kế thu hút nhân tài Đất Việt: "Về phía Nhà nước, nếu đã thực sự coi các nhà khoa học trẻ là nguồn lực quan trọng thì cần có lộ trình cụ thể về chính sách và chế độ tương xứng với năng lực làm việc của nhà khoa học. Việc thu hút nhân tài trình độ cao gặp nhiều khó khăn bởi nguồn tài chính có hạn, trang thiết bị, môi trường học tập chưa năng động".
Phó Giáo sư Vinh nhận định, nhà nước cũng cần dùng tài chính đúng mức, đúng trọng điểm cho khoa học công nghệ. Nghiên cứu hiện nay chủ yếu được tài trợ bởi Chính phủ, nghiên cứu tại trường đại học đang bị bỏ ngỏ. Trong khi, các nước phát triển đều dành một phần ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường đại học.
Việc đầu tư dàn trải dẫn đến sản phẩm khoa học bị trùng lặp, thiếu tính sáng tạo, giá trị kinh tế thấp. Để khắc phục thì cần nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu trọng điểm và những lĩnh vực được ưu tiên.