Tiếp nối thành công của tác phẩm trước đó "The Silk Roads: A New History of the World" (Những con đường tơ lụa: Lịch sử mới về thế giới, 2015), cuốn sách "The New Silk Roads: The Present and Future of the World" (Con đường tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới) của Peter Frankopan tiếp tục gây sự chú ý lớn với dự đoán về các xu hướng địa chính trị, kinh tế toàn cầu hiện nay và tuyên bố một "sự thay đổi và chuyển dịch có tính chất và quy mô mang tầm thời đại". Đó là sự chuyển dịch trung tâm quyền lực của thế giới từ phương Tây sang phương Đông, bắt nguồn từ sự trỗi dậy của "Con đường tơ lụa".
Cuốn sách "Con đường tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới" gồm 5 phần chính với nội dung rõ ràng và chi tiết. Bố cục sách thể hiện và khẳng định mạnh mẽ cái nhìn của tác giả Frankopan đối với xu hướng dịch chuyển quyền lực thế giới và trung tâm thế giới từ Tây sang Đông trong thế kỷ XXI:
- Những con đường dẫn tới phương Đông
- Những con đường dẫn tới trái tim của thế giới
- Những con đường dẫn tới Bắc Kinh
- Những con đường dẫn tới tranh đua
- Những con đường dẫn tới tương lai
"Con đường tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới" đã vẽ nên một bức tranh khái quát những chi tiết về các vấn đề đương đại thông qua một lăng kính rộng hơn với hy vọng cung cấp bối cảnh về những gì đang xảy ra trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh một số chủ đề định hình toàn bộ cuộc sống và sinh kế của chúng ta mới là điều quan trọng. Con đường tơ lụa chính là trung tâm của bức tranh – quan trọng tới nỗi chúng ta sẽ không thể hiểu được những gì đang xảy ra ngày hôm nay và trong tương lai mà không đề cập tới khu vực địa lý nằm giữa Đông Địa Trung Hải và Thái Bình Dương. Vì vậy, cuốn sách này dự kiến cập nhật toàn bộ câu chuyện và diễn giải những gì đã xảy ra vài năm gần đây, trong một thời đại của những thay đổi sâu sắc.
Trong cuốn sách, tác giả không ngần ngại chỉ ra cái tên quan trọng nhiều khả năng sẽ chính là trung tâm mới của thế giới: Bắc Kinh. Điều này lập tức khiến chúng ta liên hệ đến một cụm thuật ngữ đang xuất hiện ngày càng phổ biến trên báo chí và các phương tiện truyền thông trong nhiều năm trở lại đây. Đó chính là "Sáng kiến Vành đai, Con đường" (BRI).
Với riêng Chính phủ Việt Nam và giới nghiên cứu, hiểu về BRI và xu hướng trỗi dậy dọc theo "Con đường Tơ lụa" lịch sử có thể giúp chúng ta có được những cân nhắc chiến lược và ra quyết sách hợp lý cho viễn cảnh phát triển sắp tới.