Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp phòng ngừa và điều trị táo bón cho trẻ một cách hiệu quả. Ảnh: TL
Nhập viện vì dùng “thảo dược” chữa táo bón
Mới đây, bé T.T.T (1 tuổi, ở Phú Thọ) được đưa đến Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) trong tình trạng da xanh xao, mệt mỏi, chán ăn và có hiện tượng đi ngoài ra máu. Theo lời người nhà bệnh nhân, trước đó hơn một tuần, thấy con bị táo bón điều trị bằng men tiêu hóa không cải thiện, gia đình đã nghe lời mách của người quen, dùng loại lá lộc mại để nấu cháo cho con ăn. Chỉ sau hai lần ăn cháo, bệnh nhi xuất hiện tình trạng đi tiểu màu đỏ, da xanh, mệt mỏi và sốt nhẹ. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ cho biết, bệnh nhi bị tan máu cấp do ngộ độc lá lộc mại, gây tình trạng thiếu máu trầm trọng. Ngay lập tức, bệnh nhi được điều trị bổ sung yếu tố đông máu nên tình trạng đã ổn định. Các bác sĩ tại đây cho biết, tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 2 trường hợp bị ngộ độc lá lộc mại. Điều nguy hại là các cháu đến viện đều trong tình trạng nguy kịch.
Không chỉ trẻ nhỏ bị ngộ độc lá lộc mại, trước đó, bệnh nhân L.T.N (37 tuổi, trú tại Con Cuông, Nghệ An) cũng phải nhập viện cấp cứu vì uống nước lá lộc mại. Theo đó, anh N có tiền sử bị táo bón tái phát nhiều lần. Theo kinh nghiệm dân gian, anh N đã từng hái lá cây lộc mại về nấu canh ăn để chữa và có hiệu quả. Tuy nhiên, đến khi hái lá lộc mại để sắc lấy nước uống, anh N có biểu hiện vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, sốt cao. Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, anh N được chẩn đoán đã bị nhiễm độc lá lộc mại gây tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng.
Theo các bác sĩ, lá lộc mại (hay còn gọi là lá mọi) có công dụng nhuận tràng khi dùng với liều lượng nhỏ. Tuy nhiên, nếu dùng với số lượng lớn rất dễ gây ngộ độc. Các biểu hiện thường gặp khi bị ngộ độc là nhịp tim nhanh, bệnh nhân mệt mỏi, da xanh, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón. Trẻ nhỏ bị sốt nhẹ, đi tiểu có màu đỏ, tiểu vắt, tiểu buốt…
Bên cạnh việc dùng lá lộc mại, nhiều phụ huynh còn dùng một số phương pháp dân gian khác trong việc điều trị táo bón cho con. Chẳng hạn, đun nước lá dâu tằm cho con uống. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp uống nước lá dâu tằm quá liều hoặc uống khi nước quá nguội dẫn đến tình trạng trẻ bị đi phân lỏng. Hoặc có người dùng lá cây keo nhọn đem chữa táo bón cho trẻ. Nếu cho trẻ uống quá nhiều cũng sẽ khiến trẻ bị tiêu chảy, khó chữa trị dứt điểm bệnh.
Phòng ngừa táo bón ở trẻ nhỏ
Để phòng ngừa và điều trị táo bón cho trẻ một cách hiệu quả nhất, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bố mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước hàng ngày; tăng cường chất xơ, rau xanh và trái cây tươi trong các bữa ăn của trẻ. Một số loại rau có tính chất nhuận tràng như: Rau khoai lang, mồng tơi, rau dền, củ khoai lang. Bên cạnh đó, cho trẻ ăn thêm chuối tiêu, đu đủ, bưởi, cam, quýt, thanh long… Trong trường hợp trẻ đã bị táo bón, không nên cho trẻ ăn cà rốt, táo hoặc hồng xiêm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nếu trẻ nhỏ còn đang bú mẹ mà bị táo bón thì bà mẹ phải điều trị táo bón trước bằng việc ăn nhiều rau củ quả và uống nhiều nước rồi mới cho con bú. Mẹ cũng có thể xoa bụng cho con theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn để kích thích làm tăng nhu động ruột, giảm tình trạng bị táo. Còn với những trẻ ăn sữa bò bị táo bón, mẹ nên pha sữa loãng hơn bình thường một chút, có thể pha thêm một thìa cà phê nước hoa quả (cam, quýt…) vào cốc sữa cho trẻ. Nếu tình trạng táo bón của trẻ vẫn không cải thiện, bố mẹ nên xem lại loại sữa công thức đang cho con dùng. Có thể sữa không phù hợp với trẻ nên gây ra tình trạng táo bón.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, nên có phương pháp tạo cho trẻ phản xạ để đi vệ sinh. Trẻ cần được khuyến khích, động viên việc đi vệ sinh hàng ngày, đúng nơi, đúng giờ giấc. Tuy nhiên, không nên ép trẻ đi vệ sinh bằng việc bắt trẻ ngồi bô, hoặc ngồi trong nhà vệ sinh hàng giờ đồng hồ. Điều này rất bất lợi đối với sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, việc một số phụ huynh sử dụng các thuốc làm mềm phân hoặc các thuốc thụt tháo để giúp trẻ bị táo bón đi vệ sinh dễ hơn cũng không được khuyến khích. Bởi lẽ, việc dùng thuốc chỉ giải quyết được táo bón tại thời điểm đó chứ không điều trị dứt điểm được nguyên nhân gây táo. Do đó, trẻ dễ dàng bị táo bón trở lại nếu ngưng dùng thuốc. Mặt khác, việc dùng thuốc thụt lâu ngày cũng để lại hệ lụy, khiến cơ thể trẻ phụ thuộc vào tác động bên ngoài quá nhiều mà mất đi phản xạ đi vệ sinh. Điều này có thể dẫn đến tình trạng trẻ “ị đùn” ở bất cứ mọi nơi.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ bị táo bón, bố mẹ không nên tự ý dùng các loại thảo dược hoặc lá cây trong dân gian mà không rõ dược tính để cho con uống, có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Trong trường hợp táo bón kéo dài trên một tuần, việc thay đổi chế độ ăn không có tác dụng hoặc trẻ có những biểu hiện như chán ăn, sụt cân, người xanh xao, bố mẹ nên cho con đến khám tại các cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị hợp lý nhất.
Không tùy tiện dùng men vi sinh để điều trị táo bón
Theo các chuyên gia y tế, trong cơ thể trẻ, khối lượng phân trung bình khoảng 100 - 200g/ngày gồm 75% là nước, 25% còn lại các chất xơ không tiêu hoá được của thức ăn, một số Acid béo, một ít Protein, các muối khoáng, sắc tố mật, các tế bào biểu mô của ruột bị bong ra, các loại vi khuẩn... Phân càng giữ lâu thì càng bị hút nước khiến cho phân càng rắn. Khi thành phần nước trong phân < 75% sẽ gây ra táo bón. Phân tích tụ lâu ngày trong ruột sinh ra nhiều chất độc. Cơ thể trẻ sẽ hấp thu chất độc đó nên trẻ nhỏ bị táo bón lâu ngày sẽ thay đổi tính nết, hay cáu gắt, da tái và thiếu máu. Sự nguy hiểm nữa là gây ra bệnh trĩ do phân quá rắn.
Các chuyên gia lưu ý, loạn khuẩn chủ yếu liên quan đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ hơn là táo bón. Do đó, việc sử dụng men vi sinh dài ngày cũng có thể dẫn đến tình trạng loạn khuẩn ở trẻ nhỏ.
Theo Mai Thùy - Hà Dương/Giadinh.net.vn