Theo thông tin từ Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), chiều 25/5, bé Bùi Minh A (5 tuổi, ở Thanh Xuân Nam, Hà Nội) được gia đình đưa đến viện khi bé kêu đau họng khó nuốt. Trước đó, bố mẹ phát hiện bé chơi ngậm và nuốt một đồng tiền xu, đây là đồng xu mà mẹ bé đã đi công tác nước ngoài mang về làm kỷ niệm.
Tại Khoa Tai Mũi Họng, bé Minh A được khám, chụp X-quang, các bác sĩ thấy hình ảnh đồng xu mắc ở miệng thực quản. Sau khi dùng sonde Foley có bóng, luồn qua để lấy, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng thấy khá chặt nên đã quyết định hội chẩn với các bác sĩ Nội soi tiêu hóa và tiến hành gây mê lấy ra một đồng tiền xu tròn.
Hình ảnh đồng xu trong thực quản bé trai 5 tuổi.(Ảnh: Bệnh viện Xanh Pôn).
Bác sĩ Trần Văn Thanh cho biết, đồng xu khá lớn và mắc chặt trong cơ thắt miệng thực quản. Tuy nhiên, rất may là đồng xu không xuống sâu hơn và không vào đường thở của trẻ, nếu không hậu quả rất khôn lường.
Trước đó, ngày 22/5, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng tiếp nhận 1 bệnh nhi 5 tuổi (trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh) vô tình nuốt 1 đồng xu vào bụng. Theo BsCKII. Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Trưởng khoa Nhi cho biết trường hợp bệnh nhi khi nhập viện, đồng xu đã xuống được dạ dày, không bị mắc lại ở vị trí thực quản hay đường thở. Vì vậy, trẻ tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng cần theo dõi sát sao.
Trẻ nhỏ rất hay có thói quen đút vào miệng, mũi, tai các vật nhỏ, đồ chơi... Đã nhiều vụ việc xảy ra khi trẻ phải đi gắp dị vật là viên bi, hạt lạc, dây chuyền, kim băng, cúc áo, một chi tiết của đồ chơi... Nếu phát hiện và đưa đi bệnh viện xử lý kịp thời, trẻ sẽ không gặp nguy hiểm, nhưng nếu gia đình không để ý, dị vật có thể nằm trong cơ thể trẻ lâu và gây ra các bệnh về đường hô hấp như ho, khó thở, ốm sốt... Vì thế, các gia đình có con nhỏ cần hết sức cảnh giác và lưu ý những điều sau:
- Để xa tầm với của trẻ những đồ vật sắc, nhọn như dao, kéo, các loại hóa chất tẩy rửa, hóa chất dùng ở nhà bếp.
- Trẻ dưới 5 tuổi không cho chơi những đồ vật nhỏ như viên bi, hạt lạc, các loại đồ chơi có chi tiết nhỏ...
- Thường xuyên dọn dẹp đồ chơi của trẻ, loại bỏ những đồ chơi bị hỏng hóc bởi có những mảnh nhỏ đồ chơi rơi ra và trẻ có thể cho vào miệng, nhét vào mũi, vào tai.
- Luôn để mắt tới trẻ, giám sát trẻ chặt chẽ để kịp thời phát hiện những sự cố có thể xảy ra.