Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Còn lại gì sau những nghiệt ngã hôn nhân: Khi cái kết phải trả giá là cả cuộc đời

Bộ phim Thế giới hôn nhân đã khép lại với một cái kết buồn cho tất cả những kẻ ngoại tình. Nhưng đó không phải là lời đe dọa, cảnh cáo cho những ông chồng ngoài đời. Mà đó chính là cuộc đời.

Cuối cùng thì bộ phim Thế giới hôn nhân đã đi đến hồi kết. Tất cả các cặp đôi đều tan rã và không một ai trong số đó tìm được hạnh phúc mới. Dù phim bị chê là xây dựng thế giới hôn nhân quá đen tối, u ám nhưng không ít khán giả khẳng định rằng đó mới chính là cuộc sống thực.

Ly hôn chưa bao giờ là dễ dàng, tái hôn hay mở lòng ra với người mới để làm lại cuộc đời càng không hề đơn giản. Và tha thứ cho nhau sau chuyện ngoại tình là việc khó làm nhất của đời người.

Ly hôn không phải là đường ai nấy đi mà là "bỏ đi" một phần cơ thể

Trong Thế giới hôn nhân, các nhân vật nhiều lần nói về nỗi khó khăn khi quyết định ra đi hay ở lại. Bởi vợ chồng không phải là “đối tác”, cũng không phải bạn chung nhà chung giường, để khi có chuyện bất bình chỉ việc xách vali lên mỗi người mỗi ngả.

Người xưa có câu: “Nhất nhật phu thê bách nhật ân” - một ngày là vợ chồng trăm ngày là ân tình. Có biết bao điều cả hai đã cùng nhau vượt qua, cùng nhau nếm trải. Những gắn bó trong sinh hoạt thường ngày, sự thoải mái thân quen mỗi khi ở bên vợ/chồng mình, cảm giác “về nhà” và cả những mối quan tâm chung - ràng buộc chung như cha mẹ và những đứa con. Đó là ân là nghĩa, là những thứ vượt trên những cuộc giao hoan thể xác. Quá trình chung sống ấy khiến người đàn ông và người đàn bà có sợi dây liên kết tâm linh lạ lùng.

Người vợ không phải cái áo để muốn thay là thay. Người chồng không phải đôi giày hay cái loa để cũ thì bỏ đi sắm mới. Chuyện ly hôn, như nhân vật Ji Sun Woo nói, là cắt đi một phần cơ thể. Cho dù phần cơ thể ấy đã ung nhọt, hoại tử, thối rữa thì phần còn lại vẫn đau đớn cùng cực. Cắt đi được rồi, đoạn tuyệt được hoàn toàn rồi thì phần cơ thể còn lại cũng vĩnh viễn tật nguyền, không bao giờ trở về nguyên vẹn như xưa.

Còn lại gì sau những nghiệt ngã hôn nhân: Khi cái kết chẳng bao giờ nằm trong tưởng tượng và có những thứ phải dùng cả đời để học - Ảnh 1.

Bởi thế mà đừng trách Ji Sun Woo sao vẫn còn lưu luyến chồng cũ của mình dù anh ta tồi tệ đến đâu. Cũng đừng trách Lee Tae Oh tham lam, vợ đẹp con xinh tiền tài đầy đủ vẫn không nguôi nhớ về vợ cũ nhà xưa. Người này đã từng là một phần cơ thể của người kia. Cho dù có căm ghét, oán hận đến đâu, chỉ cần nhìn vào vết thương đang liền sẹo trên cơ thể là nhớ về cái phần cơ thể đã mất. Nếu họ không chấp nhận được vết thương như sự đã rồi mà chỉ ngày đêm oán hận xót xa trách móc thì vết thương sẽ hoác miệng, nhiễm trùng, làm cho bản thân họ tan nát hơn, làm cho cuộc sống của họ vật vã hơn.

Bi kịch xảy ra trong cuộc sống của Ji Sun Woo chính là vì lẽ đó. Cả cô và cả chồng cũ Lee Tae Oh đều không chấp nhận được vết thương xấu xí trên cơ thể mình mà tìm mọi cách để xóa bỏ nó. Càng cố gắng xóa bỏ, họ càng gây ra cho nhau nhiều đau đớn. Và đứa con, khúc ruột máu mủ của họ lẽ nào không liên đới. Bởi con cái cũng chung phần cơ thể với cha mẹ mình.

Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, nhưng sẵn sàng bước vào ngôi nhà mới lại là một câu chuyện khác

Sau bao sóng gió, người xem luôn hy vọng rằng Ji Sun Woo sẽ mở lòng ra với bác sĩ Kim Yoon Ki để xây dựng một cuộc sống mới. Nhưng biên kịch đã không cho Ji Sun Woo làm vậy. Và cuộc sống này, phần đa phụ nữ sau hôn nhân đều hành động như Ji Sun Woo.

Không phải tự nhiên mà Phật giáo đặt ra cho người nữ tu nhiều giới luật hơn người nam tu. Là bởi đàn bà nhiều chấp trước hơn đàn ông. Đàn bà khó quên hơn, khó buông bỏ hơn, bám chấp vào quá khứ lâu hơn, ngại thử cái mới và luôn có xu hướng hy sinh vì con cái.

Bởi thế mà, hậu ly hôn, đàn ông thường tái hôn nhanh chóng còn phụ nữ thì không. Ngay cả khi được một người đàn ông tốt theo đuổi, ngay cả khi có sự rung động, phần đa phụ nữ cũng sẽ cân nhắc, chần chừ. Có thể bài học hôn nhân quá khứ khiến họ quá thấm thía hai chữ tình yêu cùng lẽ mất - mất còn. Có thể họ không muốn một người đàn ông khác bước chân vào cuộc sống của con mình khiến họ phải san sẻ sự quan tâm, chăm sóc. Cũng có thể họ không còn tin vào hôn nhân nữa.

Còn lại gì sau những nghiệt ngã hôn nhân: Khi cái kết chẳng bao giờ nằm trong tưởng tượng và có những thứ phải dùng cả đời để học - Ảnh 2.

Đàn bà khó quên hơn, khó buông bỏ hơn, bám chấp vào quá khứ lâu hơn, ngại thử cái mới và luôn có xu hướng hy sinh vì con cái.

Hôn nhân ban đầu là mật ngọt, sau đó là đắng chát, sau đó nữa là nhạt nhẽo, sau đó nữa nữa là gì thì chẳng ai có thể đoán định được. Sai lầm cũ nếu không lặp lại thì cũng có thể có sai lầm mới nảy sinh. Chẳng ai đảm bảo rằng mình đã khắc phục hết những lầm lỗi năm xưa. Cũng chẳng ai đảm bảo rằng tình yêu mà người đàn ông mới này dành cho mình sẽ không tan biến trong tương lai.

Bước vào rồi lại bước ra thì thà thôi không bước tiếp.

Nhưng có lẽ, với phụ nữ, tái hôn không phải là con đường duy nhất để có được hạnh phúc cũng như sống một mình cũng không có gì là bất hạnh. Ji Sun Woo đã khép cửa lòng trước người đàn ông tử tế chân thành như Kim Yoon Ki mà không chút do dự. Còn Ye Rim chọn cuộc sống độc thân vui vẻ, tận hưởng những ngày tháng thảnh thơi không vướng bận tình yêu. Chỉ có Je Hyuk chồng cô - như phần đa đàn ông trên thế giới này - không thể chịu được nỗi cô đơn và phải hẹn hò ngay với một cô gái khác để lấp và chỗ trống mà vợ cũ để lại.

Hai chữ tha thứ phải học cả đời cũng chưa chắc đã làm được

Ye Rim nhiều lần khuyên Ji Sun Woo hãy quên quá khứ đi, hay tha thứ cho tất cả mà làm lại cuộc đời đi. Nhưng rồi chính Ye Rim đã không làm được.

Nếu Lee Tae Oh ngoại tình vì tình yêu thì Je Hyuk ngoại tình vì tình dục. Nếu Lee Tae Oh chưa từng nghĩ đến việc bỏ bồ, thì Je Hyuk luôn xác định những mối quan hệ ngoài luồng là ăn bánh trả tiền, khi cần kết thúc là cắt phựt. Nếu Lee Tae Oh chưa từng nói xin lỗi và xin Ji Sun Woo tha thứ thì Je Hyuk không ngừng lặp lại câu nói đó mỗi ngày.

Ye Rim tưởng như đã có thể bỏ qua tất cả vì sự chân thành hối lỗi của Je Hyuk. Cô cũng nhận ra trái tim cô còn yêu thương chồng cũ biết bao. Cô quyết định tái hợp với chồng, sau bao nhiêu đau khổ càng thêm trân quý nhau hơn.

Nhưng rốt cuộc, chỉ sau 1 đêm, Ye Rim phát hiện ra nỗi bất an vẫn còn nguyên vẹn trong cô. Chỉ một hành động bất thường của Je Hyuk là cô lập tức nghi ngờ, dằn vặt. Cô đau đớn nhận ra rằng cô đã không hề tha thứ và không thể nào tha thứ được cho chồng. Mà nếu không tha thứ được, sao cô có thể ở bên người đàn ông đó trong suốt phần đời còn lại.

Còn lại gì sau những nghiệt ngã hôn nhân: Khi cái kết chẳng bao giờ nằm trong tưởng tượng và có những thứ phải dùng cả đời để học - Ảnh 3.

Ye Rim cuối cùng đã ra đi, chỉ 2 ngày sau ngày mở tiệc tái hôn. Cô chọn "cắt đứt một phần cơ thể" mình, phần cơ thể mà cô đã không thể tha thứ. Cô chấp nhận bản thân tật nguyền, chấp nhận vết sẹo còn lại miễn là cô và phần cơ thể kia không còn phải tiếp tục làm đau đớn nhau.

Ye Rim đã tha thứ được cho Je Hyuk hay chưa? Có thể đã và có thể chưa. Chỉ biết là cô thanh thản hơn trước rất nhiều. Còn lại phải chờ thời gian.

Nhưng nhìn vào Ye Rim để thấy, những người phụ nữ chọn tha thứ cho chồng ngoại tình để tiếp tục chung sống đã mạnh mẽ đến chừng nào. Họ mạnh mẽ không phải vì họ đã tha thứ được. Họ mạnh mẽ vì họ biết họ không thể tha thứ được nhưng vẫn cố gắng nỗ lực dằn lòng mình xuống, chèn ép nỗi bất an của chính mình, cưỡng chế mình quên đi nỗi đau để tiếp tục cuộc hôn nhân. Họ đã đau đớn đến rách nát ruột gan, nhưng họ vẫn chịu đựng, không ngừng chịu đựng.

Những người đàn ông ngoại tình 1 lần, 2 lần, n lần luôn tự tin rằng, dù bản thân có lầm lỗi đến đâu thì vợ vẫn tha thứ, vẫn dang rộng vòng tay. Họ có lẽ sẽ không bao giờ biết được mỗi đêm có bao nhiêu mũi kim của nỗi bất an đâm vào cơ thể của người đàn bà đã nói lời tha thứ cho họ. Và họ cũng không bao giờ biết cuộc hôn nhân mà họ đang có đang được duy trì mỗi ngày bằng đớn đau.