Đầu tư có trọng điểm cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Nói về tầm quan trọng của học nghề, đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) đề nghị Chính phủ và các địa phương có chính sách cụ thể, hiệu quả trong việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiệu quả hơn nữa trong phân luồng.
Cùng với đó, đại biểu đoàn Phú Thọ lưu ý, cần đầu tư có trọng điểm thật hiện đại cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, khuyến nghề.
Phân tích rõ thêm về sự cần thiết của "khuyến nghề", ông Thưởng nêu: "Hiện nay, chúng ta thấy rằng cả nước chúng ta chỉ nặng về khuyến học, khuyến tài, còn việc khuyến nghề ít được quan tâm, cho nên mảng này đang bị trống và không được khuyến khích một cách thỏa đáng", ông nói.
Trong khi xu hướng của CMCN 4.0, học nghề dễ có việc làm, vững tay nghề hơn ruộng bề bề trong tay
Ngân sách chi cho giáo dục nghề nghiệp, GDĐT còn thấp
Cùng chung mối quan tâm về nguồn nhân lực qua đào tạo, đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) đánh giá, hiện nay chất lượng còn hạn chế, cơ cấu chưa hợp lý, phần lớn thiếu kỹ năng làm việc, thiếu lao động tay nghề cao trong nhiều ngành, lĩnh vực, kể cả các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng là động lực phát triển kinh tế.
Thực tế, việc đào tạo chưa sát thị trường lao động, số người lao động có trình độ đại học, sinh viên ra trường làm việc không đúng với ngành đã được đào tạo còn cao.
Trong khi đó, đại biểu nhấn mạnh, Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đào tạo còn thấp. Người học đại học ở nước ta dù thu nhập thấp nhưng phải trả chi phí còn cao.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, để tăng năng suất lao động, theo đại biểu, rất cần có các giải pháp đột phá, trong đó có giải pháp về nguồn nhân lực qua đào tạo.
Huy động các nguồn lực đầu tư
Vì thế, ông Lượng đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở cơ giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, từng vùng và địa phương.
Song song, thực hiện tốt cơ chế, chính sách, thúc đẩy việc định hướng, phân luồng, đào tạo nghề cho học sinh sau bậc trung học.
Đồng thời, tăng cường năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình, nâng cao chất lượng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, đổi mới mạnh mẽ việc phân bổ dự toán chi cho đào tạo dạy nghề theo hướng tăng đầu tư, khắc phục cấp phát ngân sách theo bình quân, tiến hành giao kinh phí theo số lượng, chất lượng dịch vụ theo kết quả đầu ra.
"Đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho các ngành nghề mà nền kinh tế có nhu cầu cao như logistic, điện tử, công nghệ mới, tự động hóa, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, v.v..", đại biểu đoàn Bình Phước nói.
Cùng với đó, đại biểu Lượng nhấn mạnh, cần huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nhân lực, giảm chi phí cho người học.