Kết quả này cho thấy kinh tế còn nhiều dư địa để “cán mốc” tăng trưởng 7% trong năm 2024.
Kết quả ngoài mong đợi
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Tổ chức Tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách và quản trị dự án (Economica) Việt Nam nhận định, 9 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và trong nước bị thiệt hại nặng bởi bão Yagi, GDP tăng 6,82% là kết quả vượt mong đợi.
Trong khoảng thời gian này, bức tranh xuất khẩu hàng hóa phủ sắc màu tươi mới. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7%. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu đạt 299,6 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tiêu dùng tiếp tục phục hồi, du lịch tăng mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 9 tháng tăng 8,8% (cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ các năm 2020 - 2021) nhờ lượng khách du lịch tăng mạnh và tiêu dùng cá nhân phục hồi. Việt Nam đón gần 12,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng là điểm sáng hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu. Trong 9 tháng, Việt Nam thu hút 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI trong 9 tháng ước tăng 10,7% so cùng kỳ và cao hơn rất nhiều so với mức tăng 3,9% cùng kỳ năm 2023.
“Điều này cho thấy, sức chống chịu, khả năng thích ứng của nền kinh tế trong nước trước những cú sốc đã tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt là chất lượng điều hành của Chính phủ, cơ quan bộ ngành và địa phương nhanh chóng hỗ trợ kịp thời sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực”, TS Lê Duy Bình nhìn nhận.
Lĩnh vực hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, có bước đột phá ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, điện lực. Đến nay, 2.021km đường bộ cao tốc đã được hoàn thành và đưa vào khai thác, mở ra nhiều không gian phát triển mới.
Chính phủ đã phát động phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Riêng dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, với quy mô gần 1 tỷ USD được khánh thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc.
Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2024, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 15 bậc.
Bức tranh triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sáng sủa hơn khi tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng từ 6 - 6,5% và trên 6,5% tăng mạnh; thậm chí cao hơn mức dự đoán hồi đầu năm. Trong 9 tháng, 183.000 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (163.000).
Theo báo cáo cập nhật vĩ mô của VNDIRECT mới đây nhận định, Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ kể từ quý II nhờ số lượng đơn đặt hàng sản xuất tăng mạnh từ tháng 4 đến 8 và dòng vốn FDI tích cực. Điều này đã bù đắp cho những tác động tiêu cực từ cơn bão Yagi trong tháng 9 vừa qua.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia của VNDIRECT kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ, với dự báo GDP quý IV tăng 7,1% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ hoạt động sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, dòng vốn FDI tích cực, sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản và các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ từ cả chính sách tiền tệ và tài khóa.
Nền tảng để về đích
Bàn về mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024, theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5 - 7%, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, nước ta còn rất nhiều dư địa ở phía trước, đặc biệt là đầu tư công thông thường sẽ được đẩy mạnh vào cuối năm;
Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí, hoạt động sản xuất phục vụ cho xuất khẩu, thông thương với nước ngoài. Đặc biệt, các đơn hàng cũng sẽ dồi dào và được đẩy mạnh vào dịp cuối năm, tết, Noel…
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng cần tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế;
Đồng thời đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước và triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường thế giới.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu, dịch vụ logistics cũng như thúc đẩy thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng, Cơ quan đại diện thường trú Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2024 của Việt Nam, trong đó xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo và đầu tư công vẫn là những động lực tăng trưởng chính của kinh tế của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn; đồng thời các biện pháp kích thích tài khóa nên được ưu tiên trong bối cảnh Việt Nam còn dư địa ngân sách.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất Chính phủ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm, trong đó giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện về thể chế và coi đây là giải pháp đột phá của đột phá.
Cùng với đó, các giải pháp tiếp theo là tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trong đó xác định đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI có chọn lọc (chú trọng các dự án lớn, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược);
Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới…
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 134