Con cái vô cảm với cha mẹ
Chị Hạnh Nhi bị những cơn đau dạ dày hành hạ không ăn uống, không đi lại được. Các con thấy mẹ đau đớn tím tái mặt mày, chỉ hỏi han qua loa: Mẹ bị đau bụng à, mẹ ăn linh tinh cái gì nên ngộ độc thực phẩm? Chịu đau được 1-2 ngày thì chị Hạnh Nhi phải vào viện mổ cấp cứu do bị bục dạ dày. Suốt một tuần chị nằm viện, chồng và mẹ đẻ chị thay nhau chăm sóc. Lũ trẻ ở nhà chỉ hỏi thông tin qua bà nội. Mỗi khi chồng chị Nhi về nhà nghỉ ngơi, chỉ có bé út 3 tuổi chạy ra hỏi: “Bố ơi, mẹ sao rồi, bao giờ mẹ về với con?”. Cô con cả đã 15 tuổi và cậu con trai 13 tuổi không ai hỏi bố về tình hình của mẹ. Cô chị vẫn điềm nhiên ngồi học bài chuẩn bị cho kỳ thi vào 10, còn cậu em trai thì bận đá bóng với bạn, thấy xe bố về cũng không chạy vào hỏi han. Người bố cảm thấy vô cùng thất vọng về thái độ của hai đứa con lớn. Mẹ của chúng vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh mà chúng bàng quan, không một chút quan tâm, lo lắng. Anh định giáo huấn chúng một bài, nhưng phần vì đang mệt mỏi, lại không có thời gian nên cố nhịn, để dịp khác thích hợp sẽ dạy dỗ lại các con.
Hôm chị Hạnh Nhi được xuất viện về nhà, chồng chị rủ các con cùng đến đón mẹ, tuy nhiên chỉ bé út hào hứng, còn cô chị kêu con phải đi học thêm, cậu anh kêu con có buổi học bơi ở trường. Thái độ dửng dưng của hai đứa con lớn khiến người bố không thể kìm được sự phẫn nộ. Chỉ khi thấy bố nổi xung thì lũ trẻ mới miễn cưỡng lên xe đi đón mẹ, nhưng mặt đứa nào cũng dài thườn thượt.
Khi chị Hạnh Nhi về nhà, không người con nào lấy nước cho mẹ uống hay dìu mẹ về phòng nghỉ, chúng vội vã về phòng riêng. Chị Hạnh Nhi ôm đứa con út vào lòng, bất giác nước mắt rơi lã chã. Chị đã yêu thương và chăm sóc các con vô bờ bến, chăm chút cho chúng từng bữa ăn, giấc ngủ. Thậm chí, chị nghỉ cả việc để ở nhà toàn tâm nuôi dạy và chăm sóc con cái. Khi con ốm, con đau, chị thức đêm chăm sóc tận tụy. Vậy mà, nay chị ốm, chỉ có bé út biết mẹ đau, mẹ mệt nên quấn quít bên cạnh, còn hai đứa con lớn lại đối xử với mẹ một cách vô cảm, lạnh lùng.
Chị Hạnh Nhi thấy đau, không phải đau vết mổ chưa lành mà chị thấy đau ở trong tim. Chị đã sai ở đâu mà con cái chị lại vô cảm với chính những người đã sinh ra chúng?
“Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”
Maxim Gorky
Vì sao những đứa trẻ trở nên vô cảm?
Thói vô cảm của một bộ phận giới trẻ ngày nay không chỉ biểu hiện ngoài xã hội mà còn hiển hiện ngay trong mỗi gia đình. Ðó là nỗi đau của nhiều bậc làm cha, làm mẹ và cũng là bài học để các bậc phụ huynh rút kinh nghiệm.
Một số trẻ trở nên vô cảm do thiếu tình yêu thương, sự quan tâm và chăm sóc của cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ mải mê làm việc, kiếm tiền, ít dành thời gian cho con khiến cho trẻ phải sống trong cô đơn, một mình. Dần dà, trẻ trở nên vô cảm với cha mẹ và mọi người xung quanh. Cha mẹ ốm đau, trẻ không quan tâm, lo lắng. Thấy bạn bị ngã, trẻ chỉ đứng nhìn không giúp đỡ. Thấy người đi đường bị tai nạn, trẻ vẫn đi thẳng, không giúp đỡ, cũng không kêu gọi sự trợ giúp khác của người lớn...
Một số trẻ vô cảm lại do được cha mẹ nuông chiều thái quá. Cha mẹ làm cho trẻ mọi thứ nên trẻ nghiễm nhiên hưởng thụ mà không hiểu được những vất vả và lo lắng của cha mẹ. Trẻ ích kỷ, không có sự đồng cảm và thấu hiểu, chỉ biết nghĩ cho riêng bản thân mình.
Một số trẻ vô cảm là do ảnh hưởng từ bạn bè, Internet, đặc biệt là mạng xã hội và các trò chơi bạo lực. Nhiều em đắm chìm trong thế giới ảo, không quan tâm đến các sự việc ngoài đời thực.
Nhưng tựu chung lại tất cả đều do cách giáo dục của gia đình và nhà trường. Nếu ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ dạy cho trẻ về tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng nhân ái, sự vị tha; tạo cơ hội để trẻ được thể hiện sự quan tâm tới người khác, thì khi lớn lên, trẻ sẽ là người sống có trách nhiệm với bản thân mình, với cha mẹ và những người xung quanh.
Dù bận rộn đến đâu, cha mẹ hãy cố gắng dành thời gian để trò chuyện với con mỗi ngày. Giao tiếp thường xuyên với con cái không chỉ giúp cha mẹ hiểu trẻ mà còn có thể kịp thời nắn chỉnh những suy nghĩ và hành vi chưa đúng đắn của trẻ. Ðể trẻ mở lòng, cha mẹ nên tạo ra những bữa cơm gia đình đầm ấm hoặc những hoạt động chung để trẻ có cơ hội được gặp gỡ và chia sẻ với cha mẹ những tâm tư hay vướng mắc chúng đang gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.
Mặt khác, cha mẹ cần làm gương cho trẻ. Nhìn thấy cha mẹ quan tâm, chăm sóc ông bà, họ hàng và những người xung quanh, trẻ sẽ học hỏi được những phẩm chất quý giá ấy từ cha mẹ.
Và cho dù yêu thương con vô bờ bến, bạn đừng bao giờ làm hết mọi việc cho con. Chiều chuộng con thái quá là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em ngày càng trở nên vô cảm.
Cha mẹ cũng nên thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình học tập cũng như các hoạt động khác của con tại trường. Việc giáo dục một đứa trẻ nên người cần có sự hợp tác chặt chẽ từ cả hai phía gia đình và nhà trường.