Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Công an "mách" cách nhận diện thủ đoạn cho vay lãi nặng qua App

(Dân sinh) - Trước tình trạng các băng nhóm dùng app cho vay nặng lãi đang hoành hành trong xã hội đã gây nhức nhối trong thời gian qua. Công an TPHCM đã phát đi thông báo cách thức nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho vay lãi nặng qua App điện tử chuyên dụng cho điện thoại di động (ĐTDĐ).

Theo đó, các  App này được quảng cáo trên Internet, các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube… để người có nhu cầu vay tiền tự liên lạc. Các ứng dụng trên yêu cầu người vay tiền tạo 1 tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số CMND, hình CMND, số tài khoản ngân hàng) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn (trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên ĐTDĐ). 

Trước đó, công an TPHCM vừa triệt phá băng nhóm do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu hoạt động cho vay lãi nặng thông qua App điện tử chuyên dụng cho ĐTDĐ. Các đối tượng này tạo ra các ứng dụng trên ĐTDĐ có hệ điều hành Android (App) để cho vay tiền mang tên "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online".

Theo Báo SGGP, nếu người vay thỏa mãn đầy đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của Công ty sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Các ứng dụng cho vay tiền được quy định cụ thể như sau:

Khách hàng vay qua ứng dụng "Vaytocdo" thì người vay lần đầu chỉ được duyệt vay số tiền là 1.700.000 đồng nhưng thực tế khách hàng chỉ nhận được số tiền 1.428.000 đồng, còn 272.000 đồng là tiền phí dịch vụ. Trong vòng 08 ngày, người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó gồm 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi). Nếu khách vay tiền trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/1 ngày.

Công an 'mách' cách nhận diện thủ đoạn cho vay lãi nặng qua App  - Ảnh 1.

Công an 'mách' cách nhận diện thủ đoạn cho vay lãi nặng qua App  - Ảnh 2.

Hung khí và sổ sách của nhóm cho vay nặng lãi bị công an thu giữ trong một vụ án

Khách hàng vay qua ứng dụng "Moreloan" và "VD online" thì người vay lần đầu chỉ được duyệt vay số tiền là 1.500.000 đồng nhưng thực tế khách hàng chỉ nhận được 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1.500.000 đồng. Nếu khách vay tiền trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2%-5%.

Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả đúng hạn. Đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả nợ thì nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay để chửi bới, đe dọa và yêu cầu những người này phải nói người vay trả tiền cho Công ty.

Như vậy, hình thức cho vay với lãi suất nêu trên thì các đối tượng đã cho vay với lãi suất 2.5%/1 ngày, tương đương 17.5%/1 tuần, 75%/1 tháng và 912.5%/1 năm. Những khách vay trả nợ đúng hạn thì lần vay sau Công ty sẽ cho vay số tiền cao hơn, tối đa là 2.750.000 đồng.

Nạn nhân của các app cho vay nặng lãi này cũng đã lên đến hàng ngàn đối tượng. Theo Báo Người lao động, nhiều người bị các app này truy bức vì chậm trả nợ, bị bôi xấu trên Internet, bị đe dọa và người thân bị quấy nhiễu…


Đỉnh điểm là ngày 10/5 vừa qua, một giảng viên tại một trường cao đẳng ở Kiên Giang vì không chịu nổi sự truy bức của app cho vay nặng lãi, giảng viên này đã tìm đến con đường tự giải thoát bằng cách tự tử.


Nhiều chuyên gia về lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và các app cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam thời gian qua đã lên tiếng cho rằng, hầu hết khoảng từ 60-70 app tín dụng đen cho vay nặng lãi đang tung hoành tại thị trường Việt Nam hiện nay đều đến từ Trung Quốc. Các app này đội lốt cho vay ngang hàng để nhằm mục đích cho vay nặng lãi.

Công an 'mách' cách nhận diện thủ đoạn cho vay lãi nặng qua App  - Ảnh 3.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Công ty NextTech, tình trạng các app tín dụng đen cho vay nặng lãi đang hoành hành trên thị trường có một phần nguyên nhân không nhỏ vì thị trường đang để trống. Khoảng trống thứ nhất là còn thiếu các khoản tín dụng, cho vay nhỏ với thủ tục xét duyệt nhanh gọn và thuận lợi, tín chấp từ các tổ chức tín dụng hợp pháp, có uy tín.

“Để giải quyết vấn đề này, cần thúc đẩy lĩnh vực cho vay ngang hàng trên thị trường. Tuy nhiên, việc thí điểm P2P cũng chậm được tiến hành. Thiếu các app P2P được cấp phép hợp pháp cung cấp các khoản vay nhỏ và nhanh trên thị trường chính là khoảng trống thứ hai”, ông Bình cho biết.

Trước thực  trạng này, công an TPHCM  khuyến cáo người dân không nên vay tiền qua các App được quảng cáo trên Internet, các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube…. Khi phát hiện những App cho vay tiền có dấu hiệu nghi vấn cho vay lãi nặng, người dân liên hệ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM (qua số điện thoại 0693187200) để cung cấp thông tin.