Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Pháp luật

Công an ‘nhốt’ xe không hẹn ngày trả

Luật không quy định khi nào trả lại xe tang vật nên nhiều trường hợp khi bị hại nhận lại xe chỉ còn là đống sắt vụn.

 

Tìm được chiếc xe bị mất trộm, chị Nguyễn Thị Điệp (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) liền báo công an. Tuy nhiên, sau gần ba tháng chị Điệp đến xin lại chiếc xe để đi lại thì công an bảo vụ án chưa khởi tố, chưa định giá nên “cứ về đi, khi nào định giá xong sẽ gọi lên lấy”.

Công an bận, xe bị “nhốt”

Trong căn nhà tuềnh toàng mà chiếc tủ lạnh là vật quý giá nhất, người đàn bà độc thân hành nghề đạp xe đi bán cá viên chiên cho biết: Tháng 3-2014, chị dựng chiếc Cub 81 ngoài hiên nhà nhưng khi quay ra chiếc xe đã không cánh mà bay.

“Tôi chỉ có mỗi chiếc Cub, mua cách đây 20 năm để làm phương tiện đi lại. Sau khi mất xe, tôi báo công an nhưng chẳng có phản hồi gì. Hơn một năm sau (ngày 12-5), phát hiện chiếc xe trong nhà người hàng xóm, tôi qua xin lại thì người này bảo là mua lại của người khác nên không cho” - chị kể.

Chiếc Cub 81 (biển số 53-YB 5309) đang bị tạm giữ tại công an. Ảnh: N.NGA

Dò hỏi, chị biết người trộm xe nên nhờ công an xã can thiệp. “Ai ngờ họ giữ luôn chiếc xe gần ba tháng qua. Lên công an huyện, họ bảo tôi về, khi nào định giá xong thì sẽ trả xe và không biết đến khi nào họ trả” - chị kể.

Theo chị, dù chiếc xe đã cũ nhưng nó là phương tiện thiết thân. “Mỗi khi lên trung tâm TP chữa bệnh, tôi phải mượn xe của người khác. Công an giữ xe lâu quá sợ khi lấy ra hư hỏng hết” - người phụ nữ độc thân nói.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đoàn Văn Sít (Công an xã Tân Phú Trung) cho biết: “Sau khi chị Điệp báo tin, chúng tôi lấy lời khai của các bên và đã chuyển hồ sơ lên huyện hơn hai tháng rồi. Chúng tôi không thể trả xe vì chưa có lệnh của huyện”.

Đến Công an huyện Củ Chi, Đại úy Trần Duy Hiếu (điều tra viên, người thụ lý vụ án) cho hay: “Ở đây lượng án nhiều nên vụ nào xảy ra trước thì chúng tôi giải quyết trước. Còn chiếc xe của chị Điệp phải chờ định giá mới trả được”.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm người lấy trộm xe đã thừa nhận hành vi nhưng công an quá bận, chưa làm hồ sơ để thành lập hội đồng định giá nên chưa khởi tố vụ án, chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn với nghi can. “Quá bận nên chúng tôi không có thời gian để làm hồ sơ chuyển qua định giá” - ông nói.

Chưa biết khi nào trả xe

Về trường hợp chị Điệp, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Đã hơn hai tháng kể từ ngày tiếp nhận tin báo về tội phạm do Công an xã Tân Phú Trung chuyển lên mà CQĐT huyện Củ Chi chưa có quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án là vi phạm thời hạn tối đa hai tháng của BLTTHS. Mặt khác, công an nại lý do bận việc, chưa thực hiện việc định giá chiếc Cub 81 để làm căn cứ khởi tố là chưa phù hợp với nguyên tắc kịp thời theo quy định (Nghị định 26/2005/NĐ-CP).

Về thời hạn xử lý vật chứng, theo luật sư Chánh, hiện BLHS và BLTTHS cũng như các văn bản hướng dẫn vẫn chưa quy định cụ thể về thời gian xử lý tang vật do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết trong bao lâu; vật chứng nào thì CQĐT giải quyết trong giai đoạn điều tra; vật chứng nào cần phán quyết của tòa án... nên chưa biết đến khi nào chị Điệp mới nhận lại xe.

Luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ) cũng cho rằng luật không quy định cụ thể thời hạn, cơ quan tố tụng nào trả lại tang vật cho bị hại nên nhiều trường hợp khi nhận lại xe tang vật chỉ còn là đống sắt vụn. “Thân chủ tôi là bị hại trong vụ án giao thông, bị CQĐT giam xe ô tô 30 chỗ. Ba năm sau tòa mới tuyên trả xe. Lúc này, chiếc xe trị giá hơn 600 triệu đồng đã trở thành đống sắt, bán được vài chục triệu đồng. Nghịch lý là có thiệt hại đấy nhưng cơ quan tố tụng lại không hề có lỗi” - ông nói…

Với vụ việc của chị Điệp, một luật sư cho rằng công an cần nhanh chóng định giá chiếc xe để trả lại cho bị hại, còn việc khởi tố hay xử phạt hành chính là quan hệ khác.

“Thời hạn giao trả, cơ quan giao trả, loại tang vật phải giao trả cho bị hại chưa rõ ràng và điều vô lý này vẫn tồn tại trong tố tụng lâu nay. Vì vậy, trong lần sửa đổi bổ sung BLTTHS sắp tới, các nhà làm luật cần quy định rõ ràng điều này để những người bị hại trong các vụ án đỡ thiệt hại” - nhiều luật sư kiến nghị.