Trao đổi với phóng viên, đại tá Rơ Lan Lâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Để làm tốt công tác vận động, đơn vị xác định mục điều hàng đầu là "đoàn kết". Cùng với đó, đơn vị xây dựng hơn 900 người uy tín làm lực lượng nòng cốt ở cơ sở.
Đặc biệt, các cán bộ cơ sở đến từng thôn, làng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào để đẩy lùi âm mưu chia rẽ với người Kinh, thành lập "Nhà nước Đê Ga độc lập" của các đối tượng chống phá. Công an cũng nắm bắt tâm tư, khó khăn của đồng bào để làm những việc thiết thực (sinh đẻ có kế hoạch, đưa con em đến trường, khám chữa bệnh, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp…).
"Các cấp chính quyền đã tổ chức hàng trăm đợt phát động, đưa các đối tượng Fulro ra kiểm điểm trước dân, để các đối tượng nói rõ hoạt động của mình, nhận lỗi trước buôn làng. Từ đó cho đồng bào thấy người thật việc thật và nhận thức rõ về âm mưu, hoạt động hại dân, hại nước, vi phạm pháp luật, luật tục của Fulro", đại tá Rơ Lan Lâm chia sẻ.
Công an tỉnh Gia Lai, thời gian từ năm 2004 đến nay, Phòng An ninh đối nội - Công an tỉnh Gia Lai đã tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn hơn 30 đợt Fulro, kích động biểu tình, bạo loạn, phát hiện hơn 500 nhóm, đường dây tổ chức người trốn ra nước ngoài (chủ yếu Campuchia, Thái Lan) với hàng nghìn người tham gia, đấu tranh, xử lý hàng nghìn đối tượng có hoạt động vi phạm phát luật, ủng hộ hoạt động chống phá của Fulro, truy bắt hàng trăm đối tượng Fulro lẩn trốn trên địa bàn, từ năm 2015 đến nay đã tổ chức tiếp nhận hơn 100 đối tượng người dân tộc thiểu số trốn sang Thái Lan, Campuchia quay trở về địa phương...
Đặc biệt là hoạt động Fulro lợi dụng tà đạo "Hà Mòn" có điểm nóng tại huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai). Qua triển khai phương án từ tháng 5/2012, Công an tỉnh Gia Lai đã bắt, xử lý hình sự nhiều đối tượng cầm đầu (phân loại khởi tố hình sự 7 đối tượng). Đến nay tình hình an ninh trật tự trên địa bàn này cơ bản đã ổn định.