Chiều 2/8, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, ông Nguyễn Đức Lương, cho biết từ ngày 30/7, Công an tỉnh đã điều tra một số vấn đề liên quan đến chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia 2018. 5 cán bộ ở tổ chấm thi trắc nghiệm của Hội đồng thi tỉnh đều được công an triệu tập để xác minh.
"Ngày 28/7, khi rà soát các khâu của kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi phát hiện có sự không logic trong thời gian chấm trắc nghiệm và máy tính sử dụng để chấm nên báo cáo với Trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh, Bộ Giáo dục và Công an tỉnh", ông Lương nói.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình Nguyễn Đức Lương báo cáo với đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ Giáo dục ngày 4/7. Ảnh: Quỳnh Trang.
Lãnh đạo Sở Giáo dục Hòa Bình không biết chính xác sự bất thường ở điểm nào trong khâu chấm trắc nghiệm bởi "nó kỹ thuật".
Trước đó ngày 21-22/7, một tổ chấm thẩm định thi THPT quốc gia của Bộ Giáo dục đã lên Hòa Bình rút toàn bộ bài trắc nghiệm gốc đạt từ 8 điểm trở lên để chấm lại. Bộ Giáo dục sau đó thông báo, 100% bài thi chấm thẩm định trùng khớp với kết quả chấm thi, không thay đổi điểm so với số điểm Hội đồng thi Sở Giáo dục công bố ngày 11/7...
"Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình đã thực hiện việc chấm thi đúng quy trình, quy chế và hướng dẫn chấm thi của Bộ. Phiếu trả lời trắc nghiệm gốc của thí sinh vẫn được đựng trong túi bài thi, các bài thi đều đủ chữ ký của thí sinh và của cán bộ coi thi phòng thi đó", thông cáo của Bộ Giáo dục gửi báo chí ngày 23/7 nêu.
Trong buổi kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia tại Hòa Bình ngày 4/7, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đánh giá cao cách làm của địa phương này. Khu vực chấm thi trắc nghiệm được bố trí cách ly ở các dãy phòng trên tầng 4 của một nhà khách, có bạt che kín xung quanh, công an kiểm soát trong - ngoài. Một cánh cửa luôn được khóa kín, ngăn cách tầng 4 với khu vực bên dưới, chìa khóa do công an giữ.
Lối lên khu vực chấm thi trắc nghiệm của Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình được khóa kín. Ảnh: Quỳnh Trang
Trong phòng chấm thi trắc nghiệm, khi đoàn kiểm tra đến, có mặt đầy đủ hai cán bộ thanh tra (một của Sở Giáo dục, một của trường đại học phối hợp) và đại diện công an địa phương PA83.
Tỉnh Hòa Bình khiến dư luận nghi ngờ khi có số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên là 27, chiếm 4,7% cả nước. Xét theo khối thi truyền thống (A, A1, B, C, C3, D1), tỉnh miền núi này có 22 trên tổng số 324 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên.
Giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc khi báo cáo với Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Mạnh Hùng ngày 19/7 về tình hình thi của tỉnh, đã khẳng định: "Điểm thi của thí sinh là chính xác, khách quan, không có bất kỳ sự can thiệp nào vào bài làm của thí sinh".
Ngày 25-27/6/2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ngày 11/7, Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi điểm trung bình các môn của thí sinh hai tỉnh thuộc diện thấp nhất cả nước. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm khá giỏi.
Bộ Giáo dục sau đó thành lập 3 tổ công tới 3 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi. Kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 lên 29,95. Ông Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng và Phó phòng Khảo thí của Sở Giáo dục bị bắt vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tại Sơn La, tổ công tác phát hiện 5 cán bộ Sở Giáo dục sửa điểm cả bài tự luận và trắc nghiệm. Tuy nhiên, hiện chưa xác định có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm được sửa, cách thức sửa thế nào. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù 8 bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm.
Theo Quỳnh Trang/Vnexpress.net