Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Công bố kết quả điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015

Quang cảnh Hội nghị

Di cư nội địa có vai trò quan trọng tới biến động dân số và do đó có quan hệ chặt chẽ với nhiều vấn đề phát triển kinh tế - xã hội - môi trường. Ngày 11/11/2015, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 1067/QĐ-TCTK về Điều tra di cư nội địa quốc gia. Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 là cuộc điều tra chọn mẫu và nghiên cứu định tính được thực hiện trên phạm vi 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội và 2 thành phố là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đây là cuộc điều tra di cư nội địa quốc gia lần thứ hai, sau cuộc điều tra đầu tiên vào năm 2004 do Tổng cục Thống kê thực hiện tại Việt Nam.

Theo số liệu mới hiện có, ở độ tuổi 15-59 nữ di cư chiếm tỷ lệ 17,7% so với tổng dân số nữ và nam chiếm tỷ lệ 16,8% so với tổng dân số nam trong độ tuổi này. Xét trong tổng số người di cư độ tuổi 15 -59 thì nữ chiếm tỷ trọng 52,4% và nam chiếm tỷ trọng 47,6%. Kết quả này một lần nữa khẳng định nhận định về hiện tượng “nữ hóa” di cư đã được nhắc đến trong các cuộc điều tra di cư Việt Nam 2004 và các cuộc điều tra khác.

Tuổi của người di cư năm 2015 phần lớn tập trung ở nhóm trẻ (15 - 39) chiếm tỷ trọng 84% so với tổng số người di cư. Nếu so với năm 2004 thì con số này cao hơn rất nhiều (điều tra 2004 là 79%.)

Số liệu điều tra cũng cho thấy tỷ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn người không di cư (31,7% so với 24,5%). Đặc biệt tỷ lệ phần trăm người di cư có trình độ cao đẳng, đại học hoặc trên đại học là 23,1%, trong khi tỷ lệ này ở người không di cư là 17,4%. Sự khác biệt này một phần do tác động của cơ cấu tuổi trẻ hơn của nhóm di cư so với nhóm không di cư. Trong thực tế nhiều người trẻ đã di cư tới thành thị nơi có nhiều cơ sở đào tạo để tiếp tục học ở các bậc học cao hơn.

Đa số người di cư và người không di cư trong nhóm tuổi 15-59 hiện đang làm việc. Tỷ lệ này đối với người di cư là 74,8% và người không di cư là 78,2%. Đặc biệt đối với người di cư ở nhóm tuổi 25-49 chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 90%). Đông Nam Bộ là nơi có tỷ trọng người di cư đang làm việc (87,8%) cao nhất cả nước, tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (81,0%), đây là hai khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp trong cả nước và thu hút một lượng lớn lao động nhập cư đến làm việc. Kết quả điều tra cho thấy đa số người di cư có việc làm ở nơi đến, và như vậy họ không đóng góp làm tăng tỷ lệ thất nghiệp tại điểm đến. Phần lớn những người di cư không có việc làm là những người di cư vì lý do học tập.

Trong tất cả những khó khăn gặp phải thì khó khăn về chỗ ở được đề cập đến nhiều nhất. Có tới 42,6% di cư cho biết họ gặp khó khăn về chỗ ở. Người di cư thường nhận sự giúp đỡ từ gia đình, họ hàng, và bạn bè. Rất ít người nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, từ các cơ quan và đoàn thể ở nơi đến.

Trên 30% số người di cư đã gửi tiền về cho gia đình trong 12 tháng trước thời điểm điều tra, trong đó tỷ lệ nữ di cư có gửi tiền cao hơn một chút so với nam di cư (30,8% nữ di cư so với 29,2% nam). Mặc dù tỷ lệ phụ nữ di cư gửi tiền về nhiều hơn so với số nam giới di cư, nhưng tổng số tiền gửi của nam di cư lại nhiều hơn nữ di cư. Có tới 41,5% nam di cư có gửi tiền, hiện vật từ 6 triệu đồng trở lên về gia đình trong khi đó tỷ lệ này của nữ chỉ là 34,7%. Điều này có thể do thu nhập của nam di cư cao hơn so với nữ di cư. Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, thành phố Hồ Chí Minh là nơi có tỷ lệ gửi tiền về cao nhất.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói: "Cuộc điều tra này nhằm thu thập thông tin về di cư nội địa ở cấp quốc gia, cấp vùng kinh tế - xã hội, ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách đối với người di cư, đồng thời cung cấp thông tin cho các nghiên cứu chuyên sâu về di cư nội địa ở Việt Nam".

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA nói: "Kết quả của cuộc điều tra này cung cấp bằng chứng giúp chúng ta hiểu hơn về tác động tích cực và thách thức của di cư nội địa ở Việt Nam, từ đó giúp xác định những thay đổi cần thiết trong chính sách và thực tế giúp người di cư có thêm nhiều lựa chọn, đặc biệt là những người di cư nghèo và dễ bị tổn thương, để xã hội chúng ta đều được hưởng lợi từ quá trình di cư vì lý do kinh tế và tự nguyện".

Thảo Vân/ GĐTE