Lãnh sự Danh dự là một chức danh ngoại giao phổ biến trong thực tiễn quan hệ ngoại giao giữa các nước, được hình thành dựa trên nhu cầu phát triển và thúc đẩy các mối quan hệ song phương về thương mại, văn hóa và khoa học kỹ thuật. Theo số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện có 31 cơ quan lãnh sự nước ngoài do Lãnh sự Danh dự đứng đầu với đa số các Lãnh sự Danh dự là người có quốc tịch Việt Nam và địa chỉ cơ quan lãnh sự đặt tại TP. Hồ Chí Minh.
Hình ảnh của buổi trao thư chấp thuận và bổ nhiệm Lãnh sự Danh dự Lý Nhã Kỳ tại Cục Lãnh sự
Việc bổ nhiệm và chấp nhận bà Trần Thị Thanh Nhàn là Lãnh sự Danh dự của Ru-ma-ni tại TP. Hồ Chí Minh dựa trên Hiệp định Lãnh sự giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Ru-ma-ni, Quyết định số 139/2000/QĐ-TTg ngày ngày 04/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về Lãnh sự Danh dự của nước ngoài tại Việt Nam, cũng như phù hợp với Công ước Viên ngày 24/4/1963 về Quan hệ Lãnh sự mà Việt Nam là thành viên. Trước khi bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan lãnh sự, Nước cử thông qua đường ngoại giao yêu cầu sự chấp thuận của Nước tiếp nhận đối với người đó. Ngoài các quy định của Hiệp định này, thể thức bổ nhiệm và chấp thuận người đứng đầu cơ quan lãnh sự được quy định bởi pháp luật và tập quán của Nước cử cũng như phù hợp với pháp luật và tập quán của Nước tiếp nhận.
Theo nội dung Thư bổ nhiệm Lãnh sự Danh dự của Bộ Ngoại giao Ru-ma-ni, nhiệm kỳ Lãnh sự Danh dự của bà Trần Thị Thanh Nhàn sẽ kéo dài 4 năm kể từ ngày được cấp Thư bổ nhiệm của Bộ Ngoại giao Ru-ma-ni. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, bà Trần Thị Thanh Nhàn được giao nhiệm vụ “bảo vệ các quyền và lợi ích của các công dân và pháp nhân Ru-ma-ni, đóng góp vào sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, du lịch, văn hoá và khoa học cũng như hỗ trợ sự phát triển của các mối quan hệ hữu nghị giữa Ru-ma-ni và Việt Nam”.
Phát biểu tại Lễ nhậm chức Lãnh sự Danh dự Ru-ma-ni tại TP. Hồ Chí Minh, bà Trần Thị Thanh Nhàn cho biết: “Tôi vô cùng vinh dự khi trở thành Lãnh sự Danh dự Ru-ma-ni tại TP. Hồ Chí Minh. Đây vừa là niềm vui, vừa là trọng trách không nhỏ dành cho bản thân. Tôi rất tự tin và đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ru-ma-ni nói chung, TP. Hồ Chí Minh và Ru-ma-ni nói riêng”.
Cơ quan Lãnh sự Danh dự Ru-ma-ni được đặt tại địa chỉ 214 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Đây là đầu mối để người dân, các doanh nghiệp Ru-ma-ni và Việt Nam liên hệ khi có nhu cầu đi lại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, du lịch, du học,… Buổi Lễ ra mắt Lãnh sự Danh dự Ru-ma-ni tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến được tổ chức vào ngày 26/6/2018.
Bà Trần Thị Thanh Nhàn hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Vạn Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Xây dựng Lynk và Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phát triển Y tế - Giáo dục Việt Nam (VNHEDF).
Việt Nam và Ru-ma-ni đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 03/2/1950. Tính đến nay, hợp tác kinh tế giữa hai nước có những bước phát triển tích cực, kim ngạch thương mại song phương tăng trung bình 10-15%/năm. Riêng với TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch thương mại giữa Thành phố và Ru-ma-ni năm 2017 đạt gần 35 triệu USD (tăng gần 40% so với năm 2015), trong đó xuất khẩu từ TP. Hồ Chí Minh đi Ru-ma-ni đạt gần 27 triệu USD, Thành phố nhập từ Ru-ma-ni hơn 7 triệu USD. Về hợp tác văn hóa – giáo dục và lao động, Ru-ma-ni đã đào tạo gần 4.000 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực cho Việt Nam trước đây và hiện tiếp tục cung cấp 20 học bổng/năm trong khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo (từ năm 2016).
Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em