Sinh viên trường Đại học Thương mại. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Theo TS Phạm Thị Ly, một chuyên gia về giáo dục đại học (ĐH), trước hết, cần ghi nhận nỗ lực của Bộ trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin ở cấp trường, là điều giới học thuật đã nhiều lần kêu gọi trước đây. Tuy vậy, TS Ly cho rằng có vài vấn đề cần làm rõ đối với các chỉ số trên. Thứ nhất là chi phí đào tạo sinh viên được định nghĩa là bao gồm những khoản gì và không bao gồm khoản gì, ai kiểm chứng tính xác thực của những thông tin này? Thứ hai là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được thu thập bằng phương pháp nào, “có việc làm” được định nghĩa cụ thể ra sao, ai là người thu thập và ai kiểm chứng?
Còn PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH sư phạm kỹ thuật TPHCM, việc khảo sát bây giờ chỉ cần quan tâm đến mục đích có việc làm hay không có việc làm. Vì cơ cấu ngành nghề thay đổi nhanh chóng, liên tục. Tất cả kiến thức sau vài năm sẽ lạc hậu nên không nhất thiết phải làm đúng ngành. “Hiện tại ở Mỹ, gần như 60% phải chuyển đổi công việc sau khi ra trường. Không ai nói trước điều gì. Trường định mở một số ngành để đón đầu hiệp định TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình dương) nhưng khi tổng thống Donald Trump mới lên quyết định rút Mỹ khỏi TPP thì dừng lại hết, nên khó nói trước được hết” - ông Dũng cho hay.
Trong khi đó, từ năm 2009, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường ĐH phải thực hiện 3 công khai (chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, thu chi tài chính). Trên website của mình, các trường đều công bố 3 chỉ số này. Tuy nhiên, theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, dù công bố 3 công khai nhưng nhiều trường đưa lên số liệu ma, không ai kiểm chứng được. Chính vì vậy, giờ Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường công bố thêm 2 chỉ số nữa thì theo TS. Phạm Thị Ly là rất khó khả thi. “E là yêu cầu này khó lòng thực hiện được với những thông tin đáng tin cậy, vì hiện chưa có cơ chế nào kiểm chứng. Nếu những thông tin trên không thể kiểm chứng được thì có khi nó còn tạo ra tác dụng ngược” - TS. Phạm Thị Ly nói.
Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục khác khẳng định mục tiêu trước mắt của các trường ĐH hiện nay kể cả trường công lẫn trường tư, trường top trên và trường top dưới vẫn là tìm mọi cách để thu hút được những thí sinh có năng lực đến với mình. Vì vậy, sẽ rất khó để có thể yêu cầu các trường “nói thật”. Bởi với quy định học phí như hiện nay, các trường phải dựa vào số lượng sinh viên để có nguồn thu.
Cần có cơ quan giám sát độc lập
Chia sẻ về chủ trương này của Bộ GD&ĐT, PGS. TS Dũng cho rằng việc phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp là điều mà xã hội và sinh viên quan tâm sau khi ra trường. Do đó, các trường phải có nghĩa vụ công bố chỉ số này để người học biết. Tuy nhiên, PGS cho biết từ kinh nghiệm của trường, công tác điều tra không thể dựa vào doanh nghiệp mà dựa vào hội cựu sinh viên. “Ở trường có thành lập hội cựu sinh viên và chủ yếu điều tra khi sinh viên về nhận bằng sau 3 tháng tốt nghiệp hoặc gửi qua kênh email. Một năm trường có một ngày hội cựu sinh viên trước ngày lễ 20/11. Đây là dịp để trưởng khảo sát tỷ lệ có việc làm của người học” - PGS Dũng cho hay.
Mặc dù vậy, theo PGS Dũng, không nên để các trường ĐH tự điều tra, khảo sát mà phải có cơ quan độc lập vừa làm công việc dự báo nguồn nhân lực, vừa khảo sát thực trạng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. “Còn bây giờ, có trường ĐH tư thục hô 100% sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm thì tôi không tin” – ông Dũng nói. PGS cũng khẳng định công tác dự báo của chúng ta còn kém. Phương pháp thống kê cũng rất quan trọng. Ví dụ có trường ĐH chỉ minh chứng những sinh viên có việc làm. Còn những người chưa có việc thì không đưa vào khảo sát.
TS Phạm Thị Ly cho hay, những biện pháp “quản lý” dựa trên nguyên tắc áp đặt thay vì nhằm vào động lực nội tại của các trường, thì đều sẽ nảy sinh cách làm đối phó. Đã có câu nói phổ biến ở các trường: “Bộ có chính sách, ta có đối sách”. “Đối sách” ở đây tức là cách thức đối phó. Tất cả những chính sách chưa hợp lý đều chứa sẵn các khe hở để lách. Theo TS Ly, vấn đề là tư duy làm chính sách. “Cho đến nay, những người làm chính sách mới chỉ chú trọng tới mối quan hệ hai chiều “cơ quan quản lý- đối tượng bị quản lý” tức Bộ/cơ quan chủ quản và các trường, mà ít khi nghĩ tới vai trò của bên thứ ba, là các tổ chức kiểm định độc lập (xin nhấn mạnh hai chữ độc lập), các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cũng như giảng viên/nhân viên/sinh viên của trường. Trách nhiệm giải trình có thể được áp đặt từ trên xuống bằng các chỉ thị, mệnh lệnh, quy định, nhưng nếu việc bảo đảm cho trách nhiệm giải trình được thực hiện chỉ dựa trên những cơ chế áp đặt ấy mà không có sự tham gia của các tổ chức, cơ quan, cá nhân có lợi ích liên quan và có khả năng chất vấn nhà trường, thì cũng khó mà có thực chất” - TS Phạm Thị Ly khẳng định.
Thứ nhất là chi phí đào tạo sinh viên được định nghĩa là bao gồm những khoản gì và không bao gồm khoản gì, ai kiểm chứng tính xác thực của những thông tin này? Thứ hai là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được thu thập bằng phương pháp nào, “có việc làm” được định nghĩa cụ thể ra sao, ai là người thu thập và ai kiểm chứng? |