Lễ công bố Bộ công cụ dành cho lực lượng Cảnh sát, cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân về giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.
Những kẻ phạm tội vẫn nhở nhơ ngoài vòng pháp luật
Ông Takeshi MATSUMOTO, cán bộ Phòng ngừa Tội phạm và Tư pháp Hình sự UNODC khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương cho biết, xâm hại tình dục trẻ em là một vấn đề phức tạp. Ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bạo lực với trẻ em, bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em có mối liên hệ mật thiết với sự hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng tăng. Các chính phủ cũng đang rất nỗ lực nhằm bảo vệ trẻ em trên nhiều lĩnh vực từ cải cách luật pháp, nâng cao năng lực cho cán bộ tư pháp hình sự và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia. Tuy nhiên, những nỗ lực đó hiện nay là chưa đủ. Hàng ngày, ở mọi nơi trên thế giới, tội phạm vẫn khai thác, bóc lột trẻ em và kiếm được lợi nhuận lớn từ chính trẻ em. Những kẻ phạm tội vẫn đang lợi dụng những khó khăn trong công tác điều tra và truy tố loại tội phạm này và nhớn nhơ hưởng thụ cuộc sống trong khi những nạn nhân trẻ em phải chịu cảnh bị bóc lột và lạm dụng. “Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong giải quyết vấn đề này, cần nỗ lực bảo vệ và hỗ trợ tốt hơn đối với tất cả mọi nạn nhân trẻ em”, Ông Takeshi MATSUMOTO nói.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Niệm, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến phức tạp. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ, tiếp tục có những cải cách luật pháp để thiết lập một khung pháp lý hiệu quả nhất về xử lý xâm hại tình dục trẻ em, việc phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra loại tội phạm này có những đặc trưng và khó khăn, vướng mắc riêng. Do không thu thập được hoặc thu thập không đầy đủ tài liệu làm căn cứ để khởi tố điều tra, xử lý đối tượng dẫn đến việc giải quyết một số vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, không đáp ứng được yêu cầu chấp hành pháp luật, yêu cầu về bảo vệ trẻ em và xử lý nghiêm đối tượng phạm tội theo quy định của pháp luật.
Từ những nhận thức trên, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) phối hợp nhằm giải quyết vấn đề này. Đặc biệt, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được sự phối hợp, hỗ trợ của UNODC đã xây dựng Bộ công cụ dành cho lực lượng Cảnh sát, cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân về giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ cẩm nang xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ cẩm nang xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em
Bộ công cụ dành cho lực lượng Cảnh sát, cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân về giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em gồm 4 cuốn: Lực lượng Cảnh sát với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; Sổ tay Cảnh sát giải quyết vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em; Sổ tay Kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em; Sổ tay Kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em (rút gọn).
Giới thiệu Sổ tay cảnh sát về Nhận thức và ứng phó với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Trung tá Khổng Ngọc Oanh, Phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Những cuốn sách trên được xây dựng trên cơ sở thực tiễn và kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ xâm hại tình dục trẻ em trên phạm vi toàn quốc, và kinh nghiệm, mô hình tốt của các cơ quan tư pháp các nước trong khu vực trên thế giới. Cuốn sổ tay nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, các Thông tư, văn bản pháp luật khác; kể cả các đề án, dự án, quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ, vào công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Từ đó, giúp cán bộ công an biết vận dụng, có kỹ năng vận dụng khi giải quyết vụ án như: Những quy định của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành vào công tác phòng ngừa, đấu tranh, bảo vệ nạn nhân. Biết nhân rộng, vận dụng những kinh nghiệm từ thực tiễn trước đây; những kinh nghiệm của quốc tế (kỹ năng điều tra thân thiện, các biện pháp tâm lý, y tế...) khi bản thân thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, vận dụng những kỹ năng "mềm" vào quá trình giải quyết vụ án, vụ việc từ khâu tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo cũng như quá trình khởi tố điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Ông Oanh cho rằng: "Hệ thống pháp luật liên quan tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện đã được bổ sung, sửa đổi tương đối hoàn thiện, song con người thực thi, kỹ năng thực thi pháp luật mới là điều then chốt. Cuốn sổ tay là công cụ, là "cẩm nang" cho mỗi cán bộ Công an nghiên cứu, tham khảo".
Ngoài ra, Sổ tay còn là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho nhwunxg người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nói chung, giáo viên, sinh viên, học viên chuyên ngành Luật, cho những người tham gia tố tụng để hiểu biết sâu sắc hơn về thủ tục tố tụng, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia hoạt động tố tụng hình sự, bảo đảm hiệu quả giải quyết vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.
Thảo Vân/GĐTE