Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Cùng với quá trình phát triển đất nước, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và toàn diện với khu vực và quốc tế trong đó có lĩnh vực lao động và xã hội. Đây là quá trình Việt Nam tham gia vào phân công lao động quốc tế, thực hiện yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội và tuân thủ các luật chơi chung, trong đó có các công ước quốc tế của Liên hợp quốc, các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Trong quá trình hội nhập quốc tế, pháp luật lao động đang ngày càng có xu hướng được điều chỉnh và thực hiện tiếp cận với tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam.
Phát tờ rơi tuyên truyền về Luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, luật công đoàn cho công nhân.
Việt Nam và Canada đã ký kết Khung Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực lao động, tạo cơ sở pháp lý và tái khẳng định mối quan tâm chung của Canada và Việt Nam trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực lao động và xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và hai đước đều là thành viên của các hiệp định thương mại tự do. Mục tiêu của Khung hợp tác này nhằm chia sẻ thông tin, học tập những kinh nghiệm tốt trong các lĩnh vực như: Xây dựng pháp luật và mô hình tổ chức đại diện người lao động, thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động, tăng cường năng lực thanh tra lao động, tăng cường thực thi các quy định tại nơi làm việc, nâng cao năng lực đối thoại 3 bên, thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, phòng ngừa lao động trẻ em…
Theo đại diện Bộ Việc làm và phát triển xã hội Canada cho biết, từ lâu người ta đã tin rằng có một hệ thống quan hệ lao động hiệu quả sẽ hỗ trợ và cân bằng các mục tiêu chính sách quan trọng về giữ vững quyền tự do lập hội; khuyến khích tăng trưởng kinh tế và tránh mâu thuẫn ngành và xử lý khi mâu thuẫn xảy ra. Việc quản lý các quy định quan hệ lao động của Bộ luật lao động được phân chia giữa Bộ trưởng Bộ việc làm, nhân lực và lao động; Dịch vụ hòa giải và điều đình liên bang của chương trình lao động và Hội đồng quan hệ lao động Canada.
Một số nguyên tắc chủ chốt làm nền tảng cho pháp chế và quan hệ lao động liên bang của Canada: Cung cấp các quyền thương lượng độc quyền cho một hiệp hội được thành lập để có được sự ủng hộ của đa số trong nhóm thương lượng (đi kèm nghĩa vụ đại diện công bằng cho người lao động); yêu cầu người sử dụng lao động và công đoàn được chứng nhận thương lượng một cách thiện chí; bảo đảm công đoàn, ví dụ khấu trừ chi phí công đoàn bắt buộc, quyền kế nhiệm, trọng tài hợp đồng đầu tiên, phục chức cho người lao động sau đình công, hạn chế “thời gian mở” cho bác bỏ xác nhận; định rõ các điều kiện cần phải đáp ứng trước khi đình công hoặc đóng cửa nơi làm việc (hòa giải, thông báo, bỏ phiếu đình công, thoả thuận dịch vụ cần thiết);...
Tuy nhiên, hệ thống quan hệ lao động truyền thống tại Canada vốn dựa trên quan điểm làm việc duy nhất đang gặp thách thức bởi sự thay đổi nhân khẩu học trong lực lượng lao động, áp lực cạnh tranh gia tăng, hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các tiến bộ công nghệ và việc các mối quan hệ và sắp xếp lao động phi tiêu chuẩn đang ngày càng chiếm ưu thế. Tháng 1/2015, Tòa án Tối cao Canada đã đưa ra những quyết định bước ngoặt.
Tổ chức công đoàn phải lắng nghe ý kiến của người lao động.
Hiện nay, tại Canada, theo luật Công đoàn mỗi người lao động đều có quyền tham gia công đoàn mà họ lựa chọn và mỗi người sử dụng lao động có quyền tham gia vào một tổ chức sử dụng lao động.
Để có quyền đại diện cho người lao động khi thương lượng tập thể, công đoàn phải được đa số ủng hộ từ người lao động. Người lao động phải được tự do thể hiện mong muốn thực sự của mình và không có các mối nguy, đe dọa hay cưỡng chế từ người sử dụng lao động hoặc công đoàn. Một khi được công nhận về mặt pháp lý, công đoàn có quyền thương lượng tập thể độc quyền, đảm bảo công đoàn và nghĩa vụ đại diện công bằng.