Theo số liệu thống kê từ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cả nước hiện có 344 khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 3 triệu công nhân. Trong số đó, chỉ có 10% công nhân có nhà ở, phần còn lại phải đi thuê nhà trong những khu dân cư không đảm bảo an toàn, ẩm thấp, thiếu thiết chế văn hóa… Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp quan tâm nhiều đến đời sống công nhân và xây dựng những khu nhà ở cho công nhân để người lao động ổn định cuộc sống, gắn bó với doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận xét của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, những khu nhà ở này thiếu nhà trẻ, trường học, đặc biệt là thiếu các khu vui chơi, giải trí cho người lao động. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sống của người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng các khu thiết chế công đoàn theo hướng người lao động có chỗ an cư, có nơi gửi trẻ để an tâm làm việc, đồng thời có những thiết chế chăm sóc đời sống tinh thần, thể thao, giải trí cho người lao động cũng như hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị với nhiều chính sách ưu đãi cho đoàn viên công đoàn.
Thiết chế công đoàn sẽ có cả nhà trẻ để công nhân gửi con, yên tâm làm việc.
Theo ông Thuật, đối với việc xây dựng thiết chế công đoàn, từ 2017 đến năm 2018, phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ năm 2018 - 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đến năm 2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn. Diện tích đất xây dựng (tối thiểu): Từ 3 ha đến 5 ha. Các khối chung cư nhà ở công nhân 5 tầng (khoảng 1000 căn hộ). Sẽ có các công trình công cộng như: Nhà văn hóa đa năng sức chứa ít nhất khoảng: 500 người; Quảng trường trung tâm sức chứa 5000 người; Nhà điều hành của Công đoàn khu công nghiệp và tư vấn pháp lý; Các khu vực thể dục thể thao; Siêu thị công đoàn phục vụ cho khu vực; Nhà trẻ, hiệu thuốc, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống, văn hóa, xã hội của công nhân; Hệ thống vườn hoa, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ khu thiết chế.
Hiện nay, Tổng Liên đoàn đã có chủ trương đầu tư 12 dự án tại các tỉnh: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Tiền Giang, Quảng Nam, Trà Vinh, Đồng Nai, Bình Dương. Trong năm 2017 ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn tập trung triển khai khởi công 3 dự án tại các tỉnh Hà Nam, Tiền Giang, Quảng Nam. Để đáp ứng đúng nhu cầu nhà ở của người lao động, Tổng Liên đoàn đã phối hợp cùng liên đoàn lao động các địa phương, đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá chính xác nhu cầu của công nhân và người lao động về nhà ở tại từng khu chế xuất, khu công nghiệp. Qua đó xác định địa điểm đầu tư, quy mô đầu tư cụ thể của từng dự án.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn đang triển khai nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng giúp công nhân, người lao động dễ dàng hơn trong việc thuê mua nhà tại các thiết chế. Đồng thời, phối hợp với liên đoàn lao động các địa phương, xây dựng tiêu chí mua nhà cụ thể đối với từng địa phương đảm bảo đúng quy định pháp luật và đúng đối tượng, đúng nhu cầu, phù hợp với định hướng của tổng liên đoàn và đề án đã được phê duyệt. Nghiên cứu cơ chế quản lý vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả các thiết chế của công đoàn khi công trình hoàn thảnh, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và của Tổng liên đoàn.
Đối với chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động, đến nay, Tổng Liên đoàn đã ký thỏa thuận hợp tác với 17 đối tác, giúp công nhân lao động được hưởng các sản phẩm, dịch vụ có giá rẻ hơn. Trong 8 doanh nghiệp ký kết năm 2017, có 3 doanh nghiệp cam kết cung ứng vật liệu sắt thép, xi măng, gạch và thiết bị nội thất với giá thấp hơn giá thị trường để xây dựng các thiết chế công đoàn từ 2016-2020; 5 doanh nghiệp còn lại cam kết đoàn viên công đoàn khi mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp được giảm giá từ 5 - 20% tùy từng loại hàng cụ thể của từng doanh nghiệp. Các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương đã ký thỏa thuận với 83 doanh nghiệp cung cấp hàng chục sản phẩm dịch vụ hữu ích cho đoàn viên của mình. Nội dung các thỏa thuận hợp tác tập trung vào hỗ trợ đoàn viên mua hàng hóa, dịch vụ với giá ưu đãi hơn so với người lao động chưa là đoàn viên. Mức giảm giá giao động từ 5 - 50% giá niêm yết. Điển hình là Liên đoàn lao động TP.Đà Nẵng, ký kết thỏa thuận với 38 doanh nghiệp; Liên đoàn lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế ký thỏa thuận với 29 doanh nghiệp...