Tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em. Ảnh HT
Bảo vệ trẻ em bằng hành động
Trong những năm gần đây, số vụ và số trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Một số vụ xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục có cả những em bé còn ít tuổi và đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những người quen của trẻ em như: hàng xóm, anh em, họ hàng, thầy giáo, cán bộ, nhân viên của nhà trường, thậm chí là bố dượng, cha đẻ. Những con số, vụ việc biết nói này khiến cho chúng ta cảm thấy đau lòng, đòi hỏi chúng ta phải có những hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này.
Trước thực tế vẫn còn những hành vi gây tổn hại, vi phạm quyền trẻ em, trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 góp phần lan tỏa, vận động các tổ chức, gia đình và cộng đồng cùng tích cực vào cuộc: “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, “Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em”, “An toàn cho con, hạnh phúc cho cha mẹ”; “Hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em”… Bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em không thể trông chờ vào trách nhiệm và nỗ lực của một cấp, ngành mà cần có sự thực hiện trách nhiệm cụ thể và sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị-xã hội, gia đình, nhà trường và mỗi người dân. Để các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em gắn với các chương trình hành động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 rất thiết thực, ý nghĩa. Cá nhân, tổ chức, các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng cần chung tay quan tâm và thực hiện tiếp nhận, quản lý, giám sát trẻ em và tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Trước hết, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ. Cụ thể, nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục, các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Cha mẹ của các em cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục, hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên không tố giác kẻ phạm tội.
Bởi vậy, việc đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và thực hiện chính sách pháp luật, trong đó, xử lý nghiêm minh, hiệu quả tất cả các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; đồng thời, cần có chế tài đối với các cơ quan, đơn vị chưa hoặc không làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình đối với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Song song với đó là công tác phòng ngừa cần được quan tâm hơn nữa để góp phần ngăn chặn nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Đề cao vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng, tạo nên sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.
Đề cao vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng tạo nên sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.
Phiên tòa giả định về tuyên truyền pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. Ảnh HT
Vận động cộng đồng chủ động tố giác, tin báo tội phạm
Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng. Một số vụ (việc) kéo dài nhiều năm, khi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác đưa ra trước công luận. Mặt khác, đa số các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em được thống kê chủ yếu dựa trên các tiêu chí về thể chất, chưa tính đến bạo lực, xâm hại về tinh thần.
Cần thiết có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em. Cùng với đó là quy định về thẩm quyền, thủ tục tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, người chăm sóc trong trường hợp chính cha mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, thiếu hệ thống theo dõi để đảm bảo những trẻ em này không tiếp tục bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, cần sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nâng cao trách nhiệm, tăng cường quán triệt các nội dung về công tác bảo vệ trẻ em; đảm bảo thực hiện Luật Trẻ em và các quyền trẻ em một cách đầy đủ, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em và hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em. Chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình, cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Đồng thời, vận động người dân dũng cảm tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cần thiết có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp xâm hại tình dục trẻ em.
Sơn Thành/TC GĐ&TE