Cơ hội việc làm tốt hầu như không có
Việc làm là yếu tố quyết định đến chất lượng cuộc sống, đến quan hệ xã hội, song với cộng đồng LGBT, dường như họ không có nhiều sự lựa chọn. Câu chuyện mà các chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đưa ra là một minh chứng. Một bạn nộp hồ sơ tuyển dụng, hôm sau nhận được hồi đáp với cái email viết “chúng tôi xin lỗi, phải trả lại cái hồ sơ cho bạn, vì giám đốc của chúng tôi không chấp nhận một nhân viên mà có hình xăm trên tay”. Lập tức bạn ấy cũng email lại: “Thật ra vì hình xăm hay là vì chị kì thị với cái giới tính của em?”. Bạn ấy không nhận được mail phản hồi, nhưng lòng đã hiểu rõ nguyên nhân là do ăn mặc, giọng nói, phong cách “chẳng đâu vào đâu” của mình.
Đồng cảnh ngộ, một bạn khác ở TP HCM tâm sự: “ba tôi có người quen làm trong một doanh nghiệp và giới thiệu tôi ứng tuyển vị trí nhân viên giao dịch. Nghe lời ba, tôi cũng cố gắng đến phỏng vấn. Chiều hôm ấy mẹ tôi về và quát tháo với kết quả phỏng vấn: “ăn mặc gì giống con trai, người ta không nhận”. Mẹ còn nói, “con như vậy hoài thì đi chỗ nào cũng không ai nhận đâu, tự kiếm việc đi”. Tôi cảm thấy buồn và áp lực ghê gớm, chỉ nằm trong phòng khóc, khó để diễn tả hết cảm xúc của mình, tôi sợ phải đối diện với ba mẹ, sợ tất cả, giờ chỉ có thể đối diện với bốn bức tường, muốn có người chia sẻ để vơi đi nỗi buồn.
Nếu có môi trường làm việc thân thiện, những gương mặt này sẽ làm rất tốt công việc. Ảnh iSEE
Bộ luật Lao động hiện hành đã nêu rõ, nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Thế nhưng ngoài kia, vẫn còn hàng ngàn môi trường làm việc, đồng thời cũng có hàng ngàn ông chủ thiếu cái nhìn thiện cảm với người LGBT.
Theo một kết quả khảo sát của của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến một số người tỏ ra ác cảm với người đồng tính, chủ yếu là do họ hoàn toàn không giao tiếp với người đồng tính, không có kiến thức về người đồng tính, có quan điểm sai lệch về người đồng tính.
Nhìn một cách tổng thể, Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường cho thấy gần 30% số người được khảo sát từng bị từ chối việc làm vì là người LGBT. Trong đó, tỷ lệ người chuyển giới bị từ chối khi xin việc chiếm 59.0%, cao gấp ba lần so với nhóm đồng tính và song tính (19.6%). Người chuyển giới cũng bị phân biệt đối xử trong việc trả lương hay thăng tiến khiến họ thường chỉ giữ các vị trí cấp thấp, cơ bản mà khó giữ các vị trí quản lý hoặc cao hơn.
Với những hành vi phân biệt đối xử khác trong quá trình làm việc, thì: 8.8% từng bị đuổi việc, 13.8% bị trả lương kém hơn so với người cùng vị trí, năng lực, 22.6% bị hạn chế thăng tiến, 13.5% bị buộc chuyển sang vị trí công việc khác, 3.7% không được giải quyết bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Họ còn bị đối mặt với những nhận xét, hành động tiêu cực từ cả đồng nghiệp, sếp và khách hàng, đối tác, với tỷ lệ cao từ 33% tới gần 50%. Các hành vi phân biệt đối xử khác mà người tham gia khảo sát báo cáo còn có: bị hỏi thường xuyên về đối tượng yêu đương, ghép đôi với đồng nghiệp khác giới…
Vì sao người biểu diễn các tiết mục văn nghệ, thử thách với sáp nến phải biểu diễn trong môi trường như thế này? Ảnh iSEE
Các lý do giải thích cho hành vi phân biệt đối xử thường không được công khai nói ra mà núp dưới các lý do khác, nhưng người LGBT đều có thể cảm nhận được rõ ràng “bởi vì mình là LGBT” mà có sự đối xử không công bằng.
Cần hướng tới môi trường làm việc thân thiện
Không ít những câu chuyện thấm đẫm nước mắt của cộng đồng LGBT khi đi xin việc, song hướng tới hóa bỏ kỳ thị, xây dựng môi trường làm việc hài hòa là xu thế mà các nước phát triển đang hướng tới.
Tại buổi “Đối thoại với các doanh nghiệp hướng tới môi trường làm việc thân thiện với người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tại Châu Á” diễn ra tại Hà Nội hôm 17/1, bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: Hiện nay, 87% trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới có chính sách không phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục. Mặc dù các doanh nghiệp ở khu vực châu Á có thể tụt hậu hơn so với phương Tây, nhưng nhiều doanh nghiệp đã và đang có những bước đi đúng hướng. Tại Việt Nam, tình trạng phân biệt đối xử đối với những người LGBT trong hoạt động của các công ty vẫn còn là một vấn đề quan trọng, mặc dù trong thời gian qua Việt Nam đã dành rất nhiều sự quan tâm đến bình đẳng giới và bảo vệ cám nhóm dễ bị tổn thương.
Cũng theo bà Louise Chamberlain, doanh nghiệp đóng một vai trò rất lớn trong việc bảo vệ các quyền của người LGBT. Họ có thể tuyển dụng, có thể thúc đẩy một nền văn hóa doanh nghiệp mà sự khác biệt và đặt dấu chấm hết cho các hành vi bắt nạt và đe dọa đối với người LGBT. “Doanh nghiệp khởi tạo cần phải có chính sách hướng tới môi trường làm việc thân thiện với những người LGBTI ngay trong giai đoạn phát triển ban đầu của mình. Các tổ chức xã hội dân sự tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối những người LGBT với cộng đồng các doanh nghiệp, đồng thời cung cấp các chương trình đào tạo và huy động hỗ trợ từ phía cộng đồng”, bà Louise Chamberlain nhấn mạnh.