Công an TP.HCM vừa làm rõ nhiều tình tiết liên quan đường dây Á hậu, người mẫu, MC bán dâm với giá 7.000-25.000 USD/lượt.
Ngay sau đó, danh tính những “chân dài” này được đăng tải trên các trang phương tiện thông tin đại chúng mặc dù có viết tắt tên, che mặt hình ảnh. Tuy nhiên, dù có che hay tắt cỡ nào, cư dân mạng cũng lùng ra và biết được đó là ai.
Ba điểm nhân văn của pháp luật
Từ đó, nhiều người bức xúc đặt câu hỏi tại sao công khai danh tính người bán dâm mà không công khai danh tính người mua dâm? Họ cho luật pháp đang có sự bất công ở đây, liệu có thật vậy không?
Thật ra pháp luật hiện nay đã rất sòng phẳng với người mua và người bán dâm.
Thứ nhất, hiện nay không có quy định nào cho phép công khai tên tuổi, hình ảnh của cả người mua và người bán dâm. Việc công khai danh tính người mua bán dâm là vi phạm Hiến pháp năm 2013, gây ảnh hưởng đến đời sống bí mật riêng tư cá nhân gia đình. Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.
Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định ngắn gọn: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.
Nhưng hiện nay, Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể hơn:
“Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
Thứ hai, Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định chỉ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả, gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
Nghĩa là việc xử phạt hành chính về hành vi mua dâm, bán dâm không thuộc trường hợp cơ quan công an được phép công khai quyết định xử phạt. Như vậy thì không có lý do gì được phép công khai danh tính của họ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ ba, về mặt chế tài thì pháp luật cũng đã rất sòng phẳng cho cả hai phía người mua lẫn người bán. Mức phạt cao nhất cho hành vi mua dâm hiện nay là 10 triệu đồng, trong khi đó mức phạt tiền cao nhất cho hành vi bán dâm chỉ đến 500.000 đồng. Vì thế không thể nói luật pháp nhẹ tay với người mua hơn người bán, thậm chí cần được hiểu theo chiều ngược lại.
Nên nhớ là hiện nay người bán dâm không còn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc được giáo dục tại xã, phường, thị trấn như trước năm 2012.
Cần một cuộc cách mạng trong truyền thông
Một công dân vi phạm pháp luật hành chính thì đã có luật pháp chế tài, không thể lấy lý do người ta vi phạm thuần phong mỹ tục mà có quyền bêu tên tuổi hay hình ảnh, không thể trừng trị cái sai bằng một hành vi sai luật của cơ quan công quyền hay báo chí.
Thế nhưng tại sao cứ mỗi vụ mua bán dâm bị phanh phui là hình ảnh, tên tuổi của các “chân dài” ai cũng biết? Hỏi tức đã có câu trả lời như đã phân tích ở trên.
Để tránh việc này, chỉ cần công an làm đúng luật là không cung cấp quyết định xử phạt, tên tuổi người bán dâm.
Đồng thời báo chí cần có một cuộc cách mạng trong truyền thông là tất cả các báo bắt tay không để mấp mé lộ danh tính của họ.
Mức phạt với người mua dâm nặng hơn người bán dâm Điều 22. Hành vi mua dâm 1. Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi mua dâm. 2. Phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc. 3. Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm. Điều 23. Hành vi bán dâm 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm. 2. Phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc. … (Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP) |