Đơn vị chủ đầu tư cho biết, mức đầu tư giai đoạn một là gần 5.000 tỷ đồng với 2 phân kỳ. Kỳ một khánh thành tháng 10/2018 với công suất 150.000m3 một ngày đêm. Phân kỳ 2 có công suất 300.000m3 mỗi ngày đêm, đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người - chiếm 1/3 dân số Hà Nội và địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên.
Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3 mỗi ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3 một ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3 trong một ngày đêm. Ông Nguyễn Đức Chung - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hà Nội (thứ 2) cùng quan khách tham quan nhà máy.
Đại diện doanh nghiêp cho biết nhà máy vận hành tự động hóa áp dụng công nghệ xử lý nước đạt tiêu chuẩn cao. Toàn bộ thiết bị có xuất xứ từ châu Âu, cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt đạt tiêu chuẩn châu Âu. Trong ảnh một công nhân nhà máy sử dụng nước uống tinh khiết từ vòi lọc.
Các đặc điểm kỹ thuật và công nghệ của nhà máy sau khánh thành giai đoạn một gồm: chất lượng nước sạch, áp lực nước đủ lớn, không cần sử dụng các bồn chứa và máy bơm trung gian; kiểm soát tốt và giảm thiểu việc thất thoát nước; cấu hình công nghệ tiên tiến của châu Âu lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam để đảm bảo tính hiệu quả tiết kiệm nước thô và tiết kiệm năng lượng.
Nhà máy nước Sông Đuống còn ứng dụng công nghệ và vận hành quy trình thân thiện với môi trường để đảm bảo chỉ số thất thoát nước thô 1%. Quá trình xây dựng nhà máy đã dự liệu các giải pháp kỹ thuật để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên bề mặt các bồn bể và mái nhà; sử dụng hệ thống đèn LED và lắp cấu hình tự động để tiết kiệm năng lượng, tận dụng hệ thống thông gió tự nhiên.
Chủ đầu tư khẳng định đang hoàn tất các thủ tục đăng ký, kiểm định để tiếp nhận chứng chỉ sử dụng tài nguyên EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC – thành viên Ngân hàng Thế giới. Trong tương lai gần đơn vị sẽ kết hợp với các đối tác châu Âu để thực hiện việc xử lý chế biến bùn thành các sản phẩm phụ hữu ích cho các ngành nghề khác.