Một doanh nghiệp có 2 bảng lương
Theo ông Đặng Quang Hợp (Viện Công nhân và công đoàn thuộc Tổng LĐLĐVN), kết quả khảo sát điều tra tiền lương, thu nhập đời sống của người lao động trong năm 2016 cho thấy có tình trạng một doanh nghiệp nhưng có tới 2 bảng lương công nhân. Nhìn chung, mức lương cơ bản của người lao động tại các doanh nghiệp được khảo sát đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định năm 2016 từ 33 – 44%. Tuy vậy, mức lương cơ bản của người lao động còn thấp, tỉ lệ hưởng kề cận với mức lương tối thiểu vùng tương đối lớn.
Đời sống công nhân còn nhiều khó khăn.
Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp. Đối với tiền làm thêm giờ, có 75,5% người lao động cho biết có tiền làm thêm giờ, trung bình mỗi người 29,2 giờ/tháng, trong đó có 20% số lao động sản xuất trực tiếp phải làm thêm trung bình 30 giờ/tháng. Với số tiền làm thêm giờ đã được nhân với hệ số theo quy định, trung bình là 939.000 đồng/tháng.
Về phía doanh nghiệp, hầu hết đều cho rằng việc tăng mức tiền lương tối thiểu năm 2016 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sẽ chấp hành tốt khi Nhà nước công bố mức lương tối thiểu năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định, chưa điều chỉnh kịp thời và không công khai, minh bạch, giảm chi phí thưởng, phụ cấp... Kết quả khảo sát cho thấy, có 5% số người lao động cho biết họ bị cắt giảm một số trợ cấp khi doanh nghiệp điều chỉnh lương tối thiểu.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết: “Tình trạng doanh nghiệp trả 2 bảng lương đang tồn tại ở nhiều nơi, khiến người lao động bị thiệt thòi. Thu nhập của công nhân ngành da giày ở khu vực Đồng Nai đạt từ 6-7 triệu đồng/tháng nhưng chủ doanh nghiệp chỉ đóng BHXH ở mức từ 3,6 triệu đến 3,7 triệu đồng/tháng. Khoản chênh lệch còn lại được doanh nghiệp “lách” bằng tiền nhà ở, xăng xe, điện thoại, chuyên cần... nhưng khi quyết toán với cơ quan thuế, doanh nghiệp lại nộp bảng lương ở mức 6-7 triệu đồng”.
Lương tối thiểu phải gắn với mức sống tối thiểu
Theo ông Mai Đức Chính, tiền lương gắn với năng suất lao động còn lương tối thiểu phải gắn với mức sống tối thiểu. GS-TS Nguyễn Khắc Minh (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, lương tối thiểu có quan hệ với năng suất lao động nhưng ở khía cạnh: Khi điều chỉnh lương tối thiểu, do tăng chi phí sản xuất nên buộc chủ sử dụng phải tính toán để tìm giải pháp tăng năng suất lao động.
Khi được hỏi so sánh thu nhập với chi tiêu của gia đình người lao động, có 14,2% người lao động trả lời “không đủ sống”; 37,8% phải chi tiêu “tằn tiện và kham khổ”; 33,8% “vừa đủ” trang trải; chỉ có 14,2% “có dư dật và tích luỹ”. Khảo sát cũng cho thấy, đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Ông Đặng Quang Hợp cho biết thêm, tiền lương cơ bản trung bình hằng tháng của người lao động làm đủ giờ công, ngày công hiện nay ở mức 4.133.000 đồng. Trong đó vùng I: 4.672.000 đồng và vùng IV là 3.466.000 đồng. Người lao động thuộc lĩnh vực cơ khí, cơ khí chế tạo có mức lương cơ bản trung bình cao nhất (gần 6,46 triệu đồng), trung bình thấp nhất là ngành giày da đạt gần 3,9 triệu đồng.
Ông Hợp đánh giá, nhìn chung, mức lương cơ bản của người lao động còn thấp, tỉ lệ lương cận kề với mức lương tối thiểu vùng tương đối lớn. Với mức tăng 12,4% vào năm 2016 so với năm 2015 là chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Nếu không có các khoản làm thêm thì thu nhập của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể tích lũy. So với kết quả khảo sát năm 2015 thì đời sống người lao động được cải thiện hơn, tỉ lệ tích lũy đã cao hơn nhưng hầu hết là do làm thêm giờ, tiết kiệm từ bữa ăn ca…
Theo PGS-TS Nguyễn Bá Ngọc, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), mức tiền lương tối thiểu đã có được xác định theo tháng (trên cơ sở phân chia theo các vùng), cần tiếp tục xây dựng tiền lương tối thiểu theo giờ và theo ngày. Bởi đặc điểm quy mô việc làm khu vực không chính thức của nước ta rất lớn, các hình thức thuê lao động diễn ra rất phổ biến là theo giờ và theo ngày. Từ nay đến năm 2018, hằng năm xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu để đáp ứng đủ chi phí sinh hoạt tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Sau đó, cứ 2-3 năm xem xét điều chỉnh một lần để phù hợp với mức tăng năng suất lao động, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và mức thất nghiệp.