Thực tế này sẽ là thách thức không nhỏ khi hiệp định tự do ASEAN được bình thường hóa, TPP được thông qua. Các quy định mới về đấu thầu yêu cầu lực lượng lao động phổ thông phải có chứng chỉ nghề là một trong những điều kiện để tham gia dự thầu… đang là nỗi lo không chỉ của người sử dụng lao động ngành xây dựng mà còn là nỗi lo thực sự cho người lao động.
Công nhân xây dựng Việt Nam bắt buộc phải nâng cao năng lực trước xu thế cạnh tranh
Đứng trước nhu cầu bức thiết đó, Tổng Cục dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH đã cho phép Trường Cao đẳng xây dựng số 2 – là đơn vị đầu tiên trong cả nước được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 2 nghề nề hoàn hoàn thiện và cốp pha giàn giáo trình độ kỹ năng 2. Ông Nguyễn Anh Đức, PGS.TS. Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước mắt, Tổng cục dạy nghề cấp phép cho Trường cấp chứng chỉ 2/7 nghề của Trường đang đào tạo hiện nay. Đây là bước thí điểm ban đầu sau đó sẽ cho Trường cấp chứng chỉ tất cả các nghề mà trường đào tạo để phù hợp với xu thế xã hội”.
Để đẩy mạnh kỹ năng đánh giá nghề dựa trên các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề cụ thể trên 3 tiêu chí: Kiến thức, kỹ năng, thái độ. Thông qua đó, người lao động hiểu được họ cần có ý thức cao hơn trong công việc. Biết được công việc nào an toàn, công việc nào không an toàn để từ chối. Cũng như giúp họ tự tin hơn khi định giá sức lao động của mình.
Việc cấp chứng chỉ nghề là cần thiết vì phải tạo ra hành lang pháp lý để công nhân tham gia vào thị trường lao động. Hiện nay đang có sự cào bằng giữa lao động được đào tạo và lao động phổ thông. Nếu doanh nghiệp sử dụng lao động có chứng chỉ sẽ yên tâm hơn về người lao động vì ngoài kỹ năng ra họ có ý thức tốt hơn.