Thí điểm “nhà ở Công đoàn” tại 15 khu công nghiệp, khu chế xuất
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN năm 2015, trọng tâm phối hợp công tác năm 2016. Tại buổi làm việc, Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý…); trước mắt đề nghị thí điểm tại 15 khu công nghiệp - khu kinh tế trọng điểm tập trung đông công nhân lao động theo cơ chế xã hội hóa: Nhà nước hỗ trợ hạ tầng và cơ chế, chính sách, công đoàn huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng.
Đề xuất này ngay tại buổi làm việc đã được Thủ tướng Chính phủ tán thành triển khai. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề trọng tâm cần thiết, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Riêng mục này có mấy vấn đề phải phân ra để phân bổ nguồn lực xử lý. Trước hết là nhà ở cho công nhân, siêu thị đảm bảo giá cả chất lượng thực phẩm và các thiết chế văn hóa khác cho công nhân. Phải có sân bóng để thanh niên đá bóng buổi chiều, sân bóng chuyền, nhà trẻ cho con em họ…. Thủ tướng đồng ý về chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp ở 15 địa phương trọng điểm. Thủ tướng yêu cầu các địa phương nghiên cứu hỗ trợ về mặt bằng, thuế, huy động các nguồn lực để xây dựng các thiết chế. Tổng LĐLĐVN, các cơ quan chức năng cũng cần sớm đề xuất Chính phủ cơ chế để huy động các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng, trước mắt là tại 15 khu công nghiệp - khu kinh tế trọng điểm.
Lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu
Cũng tại buổi làm việc, Tổng LĐLĐVN cho biết, hiện người lao động vẫn còn nhiều tâm tư về mức lương tối thiểu vùng chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. Tổng LĐLĐVN đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện Khoản 1 Điều 73 Bộ luật Lao động năm 2012 về hình thức Thỏa ước lao động tập thể khác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu làm cơ sở để thực hiện thống nhất và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của người lao động theo quy định tại điều 91- Bộ luật Lao động. Thủ tướng chỉ đạo BHXH Việt Nam có cơ chế phối hợp cung cấp thông tin để công đoàn thực hiện quyền khởi kiện ra Tòa án đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Hiện nay, số doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng tiền BHXH, bảo hiểm y tế vẫn rất lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Việc này có trách nhiệm của BHXH và các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH tham mưu có biện pháp giải quyết các trường hợp người lao động đã đóng BHXH đầy đủ nhưng bị người sử dụng lao động chiếm dụng không đóng cho BHXH, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Rất nhiều công nhân tại các KCN đang phải ở trong nhà trọ chật chội.
Đồng thời, Chính phủ có quy định ưu tiên cho người lao động tại công ty cổ phần có vốn nhà nước được mua cổ phần khi nhà nước thoái vốn tại công ty cổ phần đó. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để tổ chức công đoàn triển khai chương trình khuyến khích học tập nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân, lao động đạt kết quả từ loại khá trở lên.
Về một số kiến nghị cụ thể của Tổng LĐLĐVN liên quan đến lương tối thiểu, lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu và một số vấn đề khác, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Riêng về đề xuất để người lao động được mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn tại công ty cổ phần nơi mình làm việc, Thủ tướng yêu cầu Tổng LĐLĐVN nghiên cứu đề xuất cơ chế, sao cho không trái với các quy định pháp luận hiện hành.