Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Công phu nghề chép tranh

Khoảng 15 năm trở lại đây, loại tranh chép và nghề chép tranh ở Sài Gòn nở rộ, với vô số các gallery (phòng tranh) đua nhau mọc lên ở nhiều đường phố. Tập trung đông nhất, sầm uất nhất là đường Trần Phú (Q5, TP.HCM), với khoảng 70 phòng tranh và hàng trăm người đang hành nghề chép tranh.

 

Thị trường tranh chép hiện nay rất đa dạng, từ những bức tranh phong cảnh đồng quê, đến những kiệt tác của các danh họa thế giới. Bất cứ phòng tranh nào cũng đều có thể đáp ứng được mọi nhu cầu sở thích thưởng thức và chơi tranh của mọi đối tượng. Khách mua tranh có thể bắt gặp ở các cửa hàng tất cả các họa phẩm nổi tiếng của các họa sĩ danh tiếng Việt Nam đến các kiệt tác của các danh họa thế giới. Đó là “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân; “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn, tranh phố cổ Hà Nội (Phố Phái) của Bùi Xuân Phái;  “Nàng Mona Lisa” của Leonardo de Vinci (Ý), “Mùa thu vàng” của Isaac Levitan (Nga); “Người đàn bà xa lạ” của Ivan Nikolaevich Krams Koi (Nga); “Đêm đầy sao”, “Trăng lên”, “Bà Marie Ginoux”, “Hoa diên vĩ”, “Hoa hướng dương”, “Bác sĩ Gachet” của Vincent VanGogh (Hòa Lan). Đặc biệt là sự xuất hiện hàng loạt tác phẩm nổi tiếng của danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso và những série tranh  “Hoa súng”, “Đống rơm”, “Cánh đồng hoa mỹ nhân”, “Ấn tượng mặt trời mọc” của bậc thầy trường phái ấn tượng Claude Monet (Pháp)…

 

Nàng Mona Lisa

Tất cả đều được nhân bản với một trình độ sao chép công phu chất lượng cao, màu sắc tốt, những người không am hiểu và sành điệu về nghệ thuật hội họa rất khó phân biệt giữa tranh chép và tranh gốc. Được nhân bản nhiều nhất ở hầu hết các phòng tranh chép có lẽ là “Nàng Mona Lisa”, “Người đàn bà xa lạ”, “Mùa thu vàng” và “Hoa diên vĩ”, “Hoa hướng dương”…Gía tranh gốc của những kiệt tác ấy hàng triệu USD đến hàng chục triệu USD và dù có tiền cũng không dễ gì sở hữu được, bởi hầu hết các kiệt tác ấy đều đã yên vị ở các bảo tàng danh tiếng. Nhưng đến các phòng  tranh sao chép thì người chơi tranh, sưu tập tranh chỉ cần bỏ ra từ 50 USD đến 80 USD là mỹ mãn ngay với một “Nàng Mona Lisa” có nụ cười đầy bí ẩn, hay những bức “Hoa diên vĩ”, “Cánh đồng hoa mỹ nhân”, “Mùa thu vàng” quyến rũ.

 

          Họa sĩ chép tranh


Chép tranh là một nghề cũng lắm công phu, tỷ mẩn và người chép tranh phải có con mắt thẩm mỹ, năng khiếu và sự đam mê về hội họa. Trong số hàng trăm tay cọ chép tranh mưu sinh chỉ có số ít là các họa sĩ chuyên nghiệp, ngoài ra đa phần là họa sĩ nghiệp dư, sinh viên mỹ thuật, kiến trúc và những  người chủ yếu là học vẽ theo cách truyền nghề từ người thân trong gia đình kiểu cha truyền con nối. Anh Đinh Văn Điền, quê Hải Hậu, Nam Định cho biết hiện nay riêng ở đường Trần Phú có hàng trăm người chép tranh, thì trong số đó có khoảng 2/3 chủ phòng tranh và người chép tranh từ Nam Định vào hành nghề theo nhóm gia đình, dòng tộc.

Đa phần những người thợ chép tranh này là học vẽ theo cách truyền nghề. Để chép được một bức tranh cho giống thì đối với những người thợ chép có tay nghề lâu năm cũng trở nên đơn giản. Tỷ như bức Nàng Mona Lisa, khổ 1m x 1,2 m, có giá khoảng từ 1, 5 tr đ – 1,8 tr đ, chỉ thực hiện trong vòng 3 – 4 ngày là hoàn chỉnh, giống bản gốc từ đường nét, bố cục, màu sắc một cách khó phân biệt thật giả. Nếu chép tranh theo từng tác giả thì với danh họa Vincent Van Gogh (Hòa Lan), muốn sao chép thành công những bức tranh về hoa như “Hoa diên vĩ”, “Hoa hướng dương” của ông thì người thực hiện phải hiểu được những sắc màu đầy bí ấn trong quan niệm thẩm mỹ của ông.

Thu nhập trung bình của một người thợ chép tranh khoảng từ 3 – 4 tr đ/người/tháng, nếu hành nghề lâu năm có tay nghề cao được khoảng 5 – 6 tr đ/người/tháng.  Là người đã có hơn 10 năm trong nghề anh Điền bảo, kể từ ngày loại tranh in khổ lớn của Thái Lan không còn được người chơi tranh ưa chuộng như những năm 90 của thế kỷ trước, thì nghề chép tranh có cơ hội vươn lên và người hành nghề sống được bằng nghề.