Công tác giảm nghèo đã đạt được những thành quả đáng khích lệ
Xin bà cho biết tầm quan trọng của công tác xóa đói giảm nghèo đối với sự phát triển của đời sống nhân dân và của đất nước?
Công tác giảm nghèo có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi vì, trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng phát triển, nếu không giải quyết dứt điểm xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận không nhỏ người dân sống dưới mức chuẩn mức sống tối thiểu thì sẽ ẩn chứa nguy cơ bất bình đẳng, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, nhóm dân cư, thậm chí dẫn đến bất ổn kinh tế - xã hội, sẽ làm cho sự phát triển của đất nước không bền vững. Vì vậy, công tác xóa đói giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, cơ sở hạ tầng ở địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, những thôn bản đặc biệt khó khăn đã được cải thiện. Điều này đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước.
Bà Chu Thị Hạnh - Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ LĐTBXH.
Hạn chế hỗ trợ cho không, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, có đối ứng
Bà ấn tượng nhất về thành tựu nào của chương trình giảm nghèo?
Trong giai đoạn vừa qua, giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 1-1,5%/năm, cơ sở hạ tầng ở địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn được cải thiện đáng kể, tăng tính kết nối vùng miền, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thuận lợi, dễ dàng hơn; các mô hình giảm nghèo hiệu quả theo hướng hạn chế hỗ trợ cho không, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, có đối ứng, khi tham gia thực hiện có thời gian thu hồi luân chuyển, giao cho cộng đồng đã được nhân rộng khắp cả nước…, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo, đã tạo ra phong trào viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của nhiều hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của nhiều tỉnh như Quan Hóa (Thanh Hóa), Con Cuông, Tân Kỳ (Nghệ An)…
Xin bà chia sẻ về những thách thức và nguyên nhân mà công tác xóa đói giảm nghèo đang phải đối mặt?
Công tác xóa đói giảm nghèo hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 60% tổng số hộ nghèo cả nước, số hộ nghèo kinh niên (nghèo thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội) vẫn còn cao. Bên cạnh đó, ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã làm cho tỷ lệ giảm nghèo không bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, (bình quân gần 5% so với tổng số hộ thoát nghèo), tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn chiếm khoảng 24% so với tổng số hộ thoát nghèo.
Sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư, vùng miền có xu hướng gia tăng, hoặc tình trạng nghèo đô thị về các mặt phi tiền tệ như giáo dục, y tế, nhà ở… trong các nhóm dễ bị tổn thương, như: những người nhập cư không có đăng ký cư trú, những người lao động trong khu vực phi chính thức đang bắt đầu tăng, cũng là một trong những vấn đề thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo trong điều kiện hiện nay.
Về nguyên nhân thì có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân khách quan có liên quan tới sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra nhiều hậu quả nặng nề về thiên tai, lũ lụt, hạn hán, mất mùa… làm cho nhiều người nghèo đã hạn chế về phương tiện sản xuất khi gặp các biến cố này thì lại phải sống dưới mức sống tối thiểu, dưới mức chuẩn nghèo. Đa số vùng nghèo là vùng dân tộc thiểu số. Họ sống trong điều kiện tự nhiên rất khó khăn, giao thông đi lại bị chia cắt, gây nhiều trở ngại. Chỉ riêng với việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản cũng đã khó rồi, chứ chưa nói đến phát triển sản xuất. Vì thế, tỷ lệ tái nghèo trong những năm gần đây cũng tăng khá rõ rệt. Bên cạnh đó, có những nguyên nhân chủ quan, trong đó có phương diện tiếp nhận sự hỗ trợ của Nhà nước đối với đại bộ phận của người nghèo là người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi rào cản về ngôn ngữ, tiếng nói, về nhận thức, hay phong tục tập quán. Ví dụ, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo để tạo thu nhập, việc làm, như: chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động hay những chính sách giải quyết việc làm tạo nghề, nhưng vì phong tục tập quán đặc trưng của người dân tộc thiểu số nên họ không muốn đi làm ăn xa, chỉ muốn ở tại chỗ, mà với điều kiện tự nhiên đã khó khăn như vậy thì khó có thể phát triển sản xuất. Đó là những rào cản, khó khăn để công tác giảm nghèo khó có thể đạt được kết quả mong đợi.
Bà con dân tộc thiểu số ở xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, hàng ngày lên Bệnh xá Quân dân y Đoàn Kinh tế Quốc phòng 207 nhận bình nước lọc tinh khiết về uống để đảm bảo sức khỏe.
Chính sách hỗ trợ cho người nghèo đã thực sự phát huy tác dụng
Gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã có rất nhiều lá đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Điều này có ý nghĩa thế nào, thưa bà?
Gần đây, nhiều người nghèo có ý thức vươn lên và đã có rất nhiều lá đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Điều này chứng tỏ chính sách hỗ trợ cho người nghèo của Nhà nước trong nhiều năm qua đã thực sự phát huy tác dụng, đem lại những hiệu quả và đó chính là những “cú huých” giúp cho người nghèo tự lực vươn lên để thoát nghèo. Và cũng chính nhờ có sự hỗ trợ từ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của Nhà nước, người nghèo đã có đủ lực để có thể tự lực vươn lên bằng chính nội lực của mình. Nhiều người nghèo đã thức được rằng, đã đến lúc cần phải nhường lại những hỗ trợ của Nhà nước cho những người nghèo yếu thế hơn để cùng vươn lên thoát nghèo.
Tạo điều kiện cho người nghèo phát huy tính tự lực, vươn lên thoát nghèo
Công tác xóa đói giảm nghèo của chúng ta đã rất nhân văn rồi, làm sao để có giải pháp đạt kết quả như mong muốn hơn nữa, thưa bà?
Để giảm nghèo một cách bền vững và đạt được những mục tiêu mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, theo tôi, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cần có sự vào cuộc của người dân và cần chính ý thức tự thân vươn lên của họ. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cũng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để tuyên truyền về những gương điển hình vươn lên thoát nghèo, về những mô hình giảm nghèo thực sự phát huy tác dụng đối với từng vùng, miền.
Về việc ban hành các chính sách, chương trình giảm nghèo trong thời gian tới, tôi thấy cần phải lấy người nghèo làm trung tâm để phát huy sự tự lực vươn lên thoát nghèo của chính họ.
Những sự hỗ trợ về tài chính tạm thời là một động lực để chúng ta xây dựng được cơ chế thoát nghèo tự thân, bởi vì chỉ có như thế thì chính sách và sự đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với công tác xóa đói giảm nghèo mới có thể mang lại kết quả bền vững.
Xin cảm ơn bà.
Hồng Nga/GĐTE