PV: Năm 2016 được coi là một năm có nhiều thành công của công tác phòng chống tệ nạn xã hội của Đà Nẵng. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể và những giải pháp mà Chi cục đã tham mưu cho thành phố?
Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng, CC PCTNXH TP Đà Nẵng.
- Ông Lê Minh Hùng: Trong những năm qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, công tác an sinh xã hội cũng như trật tự an an toàn xã hội được bảo đảm. Đạt được kết quả này phải có sự đồng thuận cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tham mưu và nổ lực rất lớn của các cấp, các ngành.
Công tác phòng chống tệ nạn xã hội nói chung, công tác cai nghiện phục hồi, phòng chống mại dâm nói riêng của thành phố trong những năm gần đây nhận được sự đánh giá cao của Trung ương và các tỉnh bạn là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND thành phố, sự hướng dẫn hỗ trợ kịp thời của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, địa phương. Phải nói rằng thành công trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội của thành phố Đà Nẵng bắt nguồn từ sự mạnh dạn ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện cho tất cả người nghiện ma túy bị phát hiện trên địa bàn; tổ chức cảm hóa, giáo dục cho những người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; cho phép tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị lạm dụng, bị xâm hại tình dục vào cơ sở xã hội để chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp; cho phép tiếp nhận người có dấu hiệu bị loạn thần có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội vào cơ sở chữa bệnh do ngân sách thành phố bảo đảm.
Công an xã Hòa Bắc, Hòa Vang bàn giao đối tượng nghiện ma túy cho Cơ sở giáo dục Bầu Bàng. Ảnh: Giang Sơn
Với những chủ trương mới và sự đầu tư mạnh mẽ của chính quyền thành phố, Chi cục đã tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho 1.818 lượt cán bộ, lắp đặt 74 pano tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại các điểm gần trường học, khu dân cư, cấp phát 23.000 tờ rơi, 250 băng rôn tuyên truyền, 200 đĩa phim tuyên truyền về phòng, chống ma túy; xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả cao như Câu lạc bộ “Cai nghiện tại gia đình - cộng đồng”, “Câu lạc bộ sau cai”, mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ hoạt động mại dâm, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS”, mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”. Với những việc làm tâm huyết, nổ lực hết mình của đội ngũ cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội từ thành phố đến xã, phường nên công tác phòng chống tệ nạn xã hội gặt hái được nhiều thành công. Từ khi thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính đến nay các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện 1.576 trường hợp, cai nghiện tại gia đình cộng đồng gần 300 trường hợp, cảm hóa giáo dục trên 400 trường hợp bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy nhưng chưa có cơ sở kết luận nghiện; xử phạt 37 trường hợp hoạt động mua bán dâm. Riêng năm 2016, đã tiếp nhận đưa vào cắt cơn cai nghiện ma túy cho 650 người nghiện, quản lý cai nghiện tại gia đình và cộng đồng 115 người.Bên cạnh các giải pháp đó, Đà Nẵng còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này như: hỗ trợ sửa chữa nhà cho 2 trường hợp với số tiền 40 triệu đồng, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho 20 người hết thời hạn cai nghiện có hoàn cảnh khó khăn (mối người 1 triệu đồng), hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 35 trường hợp với tổng số tiền 18,4 triệu đồng, hỗ trợ vay vốn cho 15 trường hợp với số tiền 332 triệu đồng, hỗ trợ 1.480kg gạo và 254 suất quà trị giá 90,4 triệu đồng. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên đã từng bước ngăn chặn đà gia tăng các tệ nạn xã hội, giảm tỷ lệ tái nghiện ma túy xuống dưới 40%, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Các học viên được chăm sóc chu đáo tại Cơ sở giáo dục Bầu Bàng. ảnh: Giang Sơn
- PV: Thành phố Đà Nẵng đang tập trung quyết liệt xây dựng “thành phố 4 an”. Xin ông cho biết, công tác phòng chống tệ nạn xã hội sẽ có vai trò và những đóng góp như thế nào vào chương trình “thành phố 4 an” ?
- Ông Lê Minh Hùng: Ngày 30/11/2016, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2526-QĐ/TU về Đề án thực hiện chương trình “thành phố 4 an”, bao gồm: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội.
Vừa cai nghiện vừa tạo cho học viên niềm tin vào cuộc sống. Ảnh: Giang Sơn
Trước hết phải nói rằng tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy đều trực tiếp làm ảnh hưởng đến cả 4 mục tiêu này. Vì vây, là cơ quan tham mưu giúp việc cho lãnh đạo thành phố chỉ đạo công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội phải toàn tâm, toàn ý phát huy vai trò tham mưu triển khai thực hiện tốt, có chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi, phòng chống mại dâm. Tiến hành ngay việc rà soát, tham mưu hoàn thiện và đồng bộ hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, cần thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, chú ý hướng tới đối tượng đích, đối tượng có nguy cơ sa vào tệ nạn ma túy, mại dâm. Kiện toàn tổ chức, bộ máy, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội từ thành phố đến xã, phường. Tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị trong việc cảm hóa, giáo dục giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy bị phát hiện lần đầu, đẩy mạnh vận động người nghiện tham gia cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện đối với các trường hợp xác định nghiện ma túy; tổ chức tốt công tác quản lý sau cai nghiện thông qua việc duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả; đưa người có dấu hiệu bị loạn thần đang có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội vào cơ sở chữa bệnh; phối hợp lập hồ sơ và tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị lạm dụng, bị xâm hại vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp. Tổ chức tốt hoạt động kiểm tra, đánh giá việc thực hiện ở địa phương, cơ sở. Tôi cho rằng, nếu thực hiện tốt, hiệu quả công tác PC TNXH thì sẽ góp phần rất quan trọng vào thành công của mục tiêu “ Thành phố 4 an”.
- PV: Xin cảm ông!