Bài 1: “Cánh cửa” thoát nghèo bền vững
XKLĐ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác. Tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ trốn, lưu trú bất hợp pháp, tình trạng thu phí cao, lừa đảo người lao động vẫn đang là vấn đề nhức nhối, đòi hỏi những giải pháp lâu dài, bài bản.
Từ cái nhìn toàn cảnh về công tác XKLĐ trong thời gian qua, đồng thời chuyển tải khuyến cáo của các chuyên gia về tình trạng lao động bất hợp pháp, dẫn đến nguy cơ NLĐ phải đối mặt với lừa đảo, bóc lột và ngược đãi, nhóm phóng viên Báo LĐ&XH thực hiện loạt bài “Công tác XKLĐ: Hiệu quả tốt, nhưng còn bất cập”, nhằm nhìn nhận đúng những nguyên nhân, giải pháp để thực hiện công tác XKLĐ có hiệu quả cao hơn...
500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài
Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) cho biết, những năm gần đây, số LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, đạt trên 100.000 LĐ đi XKLĐ mỗi năm. Hiện có khoảng 500.000 LĐ Việt Nam đang làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành, nghề. Thống kê hàng năm cho thấy, NLĐ Việt Nam làm việc tại nước ngoài gửi về nước khoảng trên dưới 2 tỷ USD. Nguồn thu nhập cao từ hoạt động XKLĐ của NLĐ đã góp phần cải thiện đời sống gia đình và thân nhân họ, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả, nhiều LĐ sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế xã hội, là một trong những “cánh cửa” thoát nghèo bền vững. Có thể nói, XKLĐ còn là công cụ để chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, giúp đào tạo đội ngũ LĐ có chất lượng, nâng cao tay nghề và rèn luyện tác phong công nghiệp cho NLĐ, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Vì vậy, XKLĐ hiện đang được coi là một trong những ngành kinh tế đối ngoại mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế và xã hội, là giải pháp tạo việc làm quan trọng, mang tính chiến lược của nước ta. Tại các thị trường có LĐ Việt làm việc, phần lớn LĐ Việt Nam được chủ sử dụng LĐ đánh giá cao về chuyên môn tay nghề, chăm chỉ và tiếp thu nhanh.
Người lao động làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. (nguồn Internet)
Theo ông Tống Hải Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ đã và đang từng bước đổi mới phương thức hoạt động, phát triển nhiều hình thức dịch vụ tiến bộ, đầu tư có trọng điểm và nâng cao năng lực cạnh tranh. LĐ và chuyên gia đang làm việc ở nước ngoài với nhiều ngành nghề đa dạng như: Xây dựng, cơ khí, điện tử, dệt may, chế biến thủy sản, dịch vụ, vận tải biển, đánh bắt chế biến hải sản; chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp, tin học... Dịch vụ XKLĐ của các doanh nghiệp góp phần giúp hàng vạn người có việc làm với thu nhập cao, giảm được khoản đầu tư khá lớn cho đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong nước. NLĐ được nâng cao tay nghề, tiếp thu công nghệ sản xuất mới và phương pháp quản lý tiên tiến; được rèn luyện tác phong và kỷ luật LĐ công nghiệp…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác XKLĐ vẫn còn những tồn tại, đơn cử như việc lao động bỏ hợp đồng, ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài là một vấn đề nhức nhối, đặc biệt là tại thị trường Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Riêng thị trường Nhật Bản, số lượng LĐ bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc chưa cao, nhưng cũng đang có dấu hiệu gia tăng, nếu không có biện pháp triệt để. Những tồn tại này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hợp tác lao động của cả quốc gia, mà còn làm giảm uy tín của thị trường lao động Việt Nam.
Ngoài ra, tình trạng môi giới lừa đảo, tuyển lao động bất hợp pháp với danh nghĩa đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đang diễn ra ngày càng phức tạp với những cách thức tinh vi, quy mô lớn cũng là vấn đề “nóng” của công tác XKLĐ. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn hiệu quả, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm cũng như liên tục cảnh báo trên các kênh truyền thông, báo chí... nhưng một bộ phận NLĐ thiếu thông tin, mong muốn có cơ hội cải thiện cuộc sống bằng việc đi lao động ở nước ngoài đã mắc bẫy cò mồi, môi giới lừa đảo, rơi vào cảnh nợ nần, túng bấn do nạn lừa XKLĐ.
Chấn chỉnh những vấn đề nảy sinh, bảo vệ quyền lợi người lao động
Theo số liệu thống kê của Cục QLLĐNN, năm 2015 cả nước có 115.980 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 122% so với kế hoạch đặt ra. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đưa được trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Song vẫn còn nhiều vấn đề nảy sinh trong việc đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian qua như nêu ở trên. Cục QLLĐNN đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để đảm bảo công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, ông Tống Hải Nam cho biết, đó là công việc được đặt lên hàng đầu. Từ nhiều năm nay, Cục QLLĐNN đã báo cáo Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban quản lý LĐ ở nước ngoài đối với thị trường có nhiều LĐ Việt Nam đang làm việc, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quản lý NLĐ trong thời gian họ làm việc ở nước ngoài. Đối với những thị trường không có Ban quản lý LĐ, đơn vị phối hợp với cơ quan đại diện của Bộ Ngoại giao để làm tốt công tác bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. “Cục QLLĐNN thường xuyên chỉ đạo, giám sát doanh nghiệp. Đặc biệt với các thị trường, lĩnh vực, ngành nghề có tính phức tạp, chúng tôi có qui định với số lượng LĐ nhất định, doanh nghiệp phải cử cán bộ sang vừa làm đại diện cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm hợp đồng cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ.
Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại Nhật Bản.
Đông Bắc Á tiếp tục là thị trường tiềm năng
Cục QLLĐNN cho biết, trong năm 2016, khu vực Đông Bắc Á vẫn tiếp tục là những thị trường tiếp nhận nhiều LĐ Việt Nam. Việc Đài Loan (Trung Quốc) mở cửa tiếp nhận lại khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ cũng như cho phép các doanh nghiệp mới của Việt Nam tham gia cung ứng LĐ cho thị trường này là nhân tố làm gia tăng số lượng lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc.
Bên cạnh việc mở thêm những thị trường XKLĐ mới, Cục QLLĐNN cũng quan tâm đến mở rộng những ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có nhu cầu LĐ kỹ thuật cao. Với thị trường CHLB Đức và Nhật Bản, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai chương trình hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang học tập và làm việc.
Bên cạnh hai chương trình hợp tác chính phủ nêu trên, LĐ trình độ cao của Việt Nam cũng có cơ hội làm việc ở một số nước như: Hàn Quốc theo chương trình thẻ vàng, một số nước Trung Đông - kỹ sư xây dựng, lao động nghề hàn 3G, 6G trình độ cao... Để nắm bắt cơ hội đi làm việc ở nước ngoài với tư cách lao động có trình độ cao, ông Tống Hải Nam cho biết, NLĐ Việt Nam cần trang bị cho bản thân những kiến thức chuyên môn cần thiết, cũng như trình độ ngoại ngữ nhất định để có thể đáp ứng yêu cầu về công việc. Ngoài ra, NLĐ cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các chương trình này để có sự chuẩn bị tốt nhất khi ra nước ngoài làm việc, đảm bảo chất lượng LĐ, qua đó hình ảnh NLĐ Việt Nam sẽ được đánh giá cao trong mắt người sử dụng LĐ ở nước bạn.
Năm 1980, Việt Nam bắt đầu XKLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với hình thức chủ yếu là hợp tác sử dụng lao động thông qua các Hiệp định Chính phủ trực tiếp kí kết. Trong giai đoạn này, gần 245.000 LĐ và chuyên gia đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong nước được đưa đến 4 nước xã hội chủ nghĩa (Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc và Bungari). Bên cạnh đó, gần 24.000 thực tập sinh và học sinh học nghề tại các nước Đông Âu đã chuyển sang LĐ trong những năm thập niên 80 của thế kỷ trước. |
(Còn nữa)