Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Công ty Cao su Chưprông: Đổi mới phát triển theo chiều sâu và bền vững

Công ty TNHH MTV Cao sư Chưprông – tiền thân là Nông trường Cao su Chưprông được thành lập ngày 3/2/1977. Sau 40 năm xây dựng và phát triển Công ty không chỉ tổ chức tốt việc sản xuất kinh doanh, có nhiều đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội mà còn làm tốt nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trên địa bàn biên giới.

 

 Trên vùng đất hoang tàn, đầy vết tích của chiến tranh để lại, với sự phấn đấu bền bỉ của lớp lớp thế hệ công nhân, Công ty đã từng bước đi lên, hình thành vùng kinh tế - xã hội rõ nét, đang là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển.

         Ông Phan Sĩ Bình - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chưprông tại lễ Kỷ niệm 40 năm 

Từ 120,8 ha cao su đầu tiên, đến cuối năm 1987, vườn cây của Công ty đã lên đến 2.234 ha. Ngày 02/04/1998 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 93/CT về việc UBND tỉnh Gia Lai – Kon Tum bàn giao Công ty Cao su Chưprông cho Tổng Công ty Cao su Việt Nam quản lý.

          Quy mô sản xuất kinh doanh của Công ty ngày càng mở rộng. Hiện nay, Công ty có 8.970,7 ha cao su trong nước và 3.451 ha cao su trồng tại nước bạn Campuchia và 122,59 ha cà phê. Hệ thống bộ máy tổ chức của đơn vị cũng hình thành và sắp xếp hợp lý, đảm bảo đủ năng lực điều hành lãnh đạo và hoạt động hiệu quả, gồm: 07 Nông trường chuyên canh cao su, cà phê, 03 xí nghiệp, đó là Xí nghiệp Chế biến – Vận tải (công suất 10.500 tấn/năm); Xí nghiệp Cây giống – Phân bón và Xí nghiệp Chế biến gỗ 6.000 m3 /năm. Ngoài ra còn có 01 Công ty trực thuộc làm nhiệm vụ đầu tư tại nước ngoài, 01 Trung tâm Y tế 35 giường bệnh phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân trong khu vực. Công ty có trên 3.000 cán bộ, công nhân viên, trong đó trên 46% là người dân tộc thiểu số địa phương, với trên 9.000 khẩu gia thuộc.

         Trao Cờ cho Đơn vị trong Lễ Kỷ niệm

Sản xuất, kinh doanh trên một địa bàn không ít khó khăn, Công ty đặc biệt chú trọng tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng vườn cây, với phương châm thâm canh vườn cây ngay từ khâu đặt hạt làm vườn ươm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, chất lượng vườn cây của đơn vị khá tốt, đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh ổn định. Diện tích khai thác bình quân hàng năm đạt mức cao 5.300 ha, năng suất bình quân đạt 1,49 tấn/ha. Đặc biệt năm 2011, công ty khai thác được 7.200 tấn mủ quy khô, tổng doanh thu đạt 654,5 tỷ đồng. Hiện nay Công ty có 03 dây chuyền sản xuất mủ với tổng công suất thiết kế là 10.500 tấn/năm. Với 08 loại sản phẩm Latex HA, CV50, CV 60, SVR 3L, SVR5, SVR 10, SVR20, Skim lock đạt yêu cầu tiêu chuẩn về chất lượng, được khách hàng ưa chuộng.

          Điều quan trọng nhất trong quá trình sản xuất, kinh doanh là khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhận thức được vấn đề này, Công ty đã kiên trì thực hiện phương châm xây dựng hệ thống bạn hàng truyền thống trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm của Công ty được sản xuất theo hướng đa dạng hóa chủng loại, cơ cấu sản phẩm linh hoạt, chất lượng đảm bảo nên thị trường tiêu thụ luôn khá ổn định. Trong đó, tiêu thụ nội địa là 40%, còn 60% sản phẩm được xuất khẩu trực tiếp, có cả các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Brazil, Ấn Độ...

          Để tận dụng nguyên liệu gỗ cao su thanh lý, công ty đã xây dựng nhà máy chế biến gỗ công suất 6.000 m3 /năm, chất lượng sản phẩm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tiêu thụ tốt trong nước và xuất khẩu.

          Sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển, Công ty có điều kiện và luôn quan tâm đến việc cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên – đặc biệt là công nhân người dân tộc thiểu số tại chỗ. Hiện nay, thu nhập bình quân của công nhân Công ty là 5,5 triệu đồng/người/tháng, nhà ở đã được xây dựng khang trang, hiện đại. Ngoài tiền lương, thu nhập kinh tế hộ gai đình công nhân bình quân hiện nay khoảng 70-100 triệu đồng/hộ/năm. Các chế độ của nhà nước với công nhân như BHXH, BHYT, bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe... đều được Công ty thực hiện đầy đủ.

          Cùng với đó Công ty còn có nhiều đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội như hỗ trợ kinh phí cho các làng, xã để góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định và giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Đã có trên 400 công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương qua các lớp học cấp I, cấp II do Công ty tổ chức không những đã thoát cảnh tái mù chữ mà còn nâng cao trình độ học vấn. Từ khi thành lập đến nay, cán bộ, công nhân viên Công ty luôn thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn’ như là một nét truyền thống. Từ nhiều năm nay, Công ty nhận phụng dưỡng suốt đời mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra, hàng năm đều có nhiều đóng góp vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ vì người nghèo, vì trẻ em. Quỹ tình thương, các phong trào xây nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai, tặng sổ tiết kiệm....

          Đặc biệt, các đội sản xuất của Công ty đã thực hiện việc kết nghĩa với các làng bản, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả, trong việc giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy không chỉ góp phần giữ vững khối đoàn kết mà còn giúp nhiều hộ gia đình ở địa phương – nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa biết sản xuất hàng hóa, lao động có năng suất, có kỹ thuật mang lại thu nhập cao.

          Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong chặng đường 40 năm qua của đơn vị, Công ty đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập các hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Lao động các hạng nhất, nhì, ba và nhiều Huân chương, Bằng khen khác cho tập thể và cá nhân. Đặc biệt năm 2005 Công ty đã vinh dự được nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới.

          Thời gian tới, với phương châm “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới phát triển Công ty theo chiều sâu và bền vững”, Cao su Chưprông đề ra mục tiêu nâng năng suất vườn cây lên trung bình 1,7 tấn/ha, tổng sản lượng chế biến đạt 58.490 tấn, nâng tổng doanh thu lên 2.838 tỷ đồng. Từ đó, chăm lo tốt hơn đời sống cán bộ, công nhân viên với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.