Vnexpress đưa tin, ngày 16/10 Công ty cổ phần Viwaco (đơn vị tiếp nhận nước sạch sông Đà để cấp cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội) thông báo "ngừng cấp nước để súc xả tuyến ống truyền tải nước sạch từ nhà máy nước sông Đà".
Các khu vực bị ảnh hưởng gồm phường Đại Kim, Định Công, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt của quận Hoàng Mai; phường Kim Giang, một phần phường Hạ Đình của quận Thanh Xuân; một phần phường Phùng Khoang (giáp với đường Nguyễn Xiển) của quận Nam Từ Liêm và các xã phía Tây quốc lộ 1A thuộc huyện Thanh Trì.
Thông báo nêu thời gian cắt nước từ ngày 15/10 nhưng không cho biết thời điểm cấp lại nước vì "phụ thuộc vào quá trình thau rửa của Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà".
Trả lời VnExpress, ông Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình (nơi đặt nhà máy xử lý nước sông Đà) cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu phải đảm bảo nước an toàn tuyệt đối thì mới cấp lại. Quá trình xử lý ô nhiễm nếu gặp khó khăn thì phía công ty phải thuê những đơn vị có đủ năng lực để xử lý triệt để".
Công ty nước sạch Hà Đông - một đơn vị khác cũng tiếp nhận nước sạch sông Đà, thông báo các khu vực thuộc khu đô thị Dương Nội, Mỗ Lao, Nam Cường, Geleximco, Văn Khê – Park City (quận Hà Đông) và các xã An Khánh, La Phù, Vân Côn, An Thượng của huyện Hoài Đức; Tây Mỗ, Đại Mỗ của quận Nam Từ Liêm cần thau rửa hệ thống chứa nước và sẽ được cung cấp nước thau rửa miễn phí.
Trong thời gian chuyển nguồn điều tiết nước, các xe tec sẽ được huy động để cấp nước cho người dân. Đồng thời, Công ty nước sạch Hà Đông mở cửa 24/24h ba cơ sở cấp nước để người dân đến lấy miễn phí gồm số 2A, Nguyễn Trãi (Hà Đông), số 797 Quang Trung (Hà Đông) và cổng số 3 khu đô thị Geleximco.
Để hỗ trợ người dân trong khi chờ khắc phục sự cố trên, Công ty nước sạch Hà Nội cũng có thông báo đến người dân về việc cấp nước miễn phí. Công ty này sẽ vận chuyển nước bằng xe tec đến từng khu dân cư.
"Lượng đăng ký quá lớn trong khi chúng tôi đã chạy hết công suất, các xe tec được huy động liên tục 24/24h nên người dân đành phải chia sẻ khó khăn chờ đợi theo thứ tự", đại diện Công ty nước sạch Hà Nội nói.
Đồng thời, các nhà máy nước Hạ Đình (Thanh Xuân), Pháp Vân (Hoàng Mai), Mai Dịch (Cầu Giấy) và trạm cấp nước Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng) sẽ mở cửa liên tục để người dân đến lấy nước sạch. Công ty nước sạch Hà Nội cũng thông báo sẽ cấp miễn phí bình nước loại 20 lít cho các trường mầm non thuộc quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và một phần quận Cầu Giấy.
Theo Dân Trí, nhà máy nước sạch sông Đà do Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) quản lý với lưu lượng cấp cho Hà Nội trung bình khoảng 250.000-260.000 m3/ngày đêm trên tổng công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm. Nguồn nước này được phân bổ cho cư dân Hà Nội thông qua Công ty cổ phần Viwaco, Công ty Nước sạch Hà Đông, Công ty Đồng Tiến Thành Hà Nam và Cổ phần Tây Hà Nội, Công ty Ngọc Hải.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Viwaco đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho hơn 147.000 khách hàng, tại khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì (phía Tây Quốc lộ 1A). Nguồn cấp nước chính của Wiwaco cho các khu của TP Hà Nội vẫn là từ nước sạch sông Đà, với công suất khoảng 200.000-210.000 m3/ngày đêm.
Ngoài một số nhà máy nước sạch hiện có, để cung cấp đủ nước sạch cho khoảng 150.000 khách hàng, Công ty Nước sạch Hà Đông còn sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà với công suất 40.000-50.000 m3/ngày đêm. Hiện Công ty nước sạch Hà Đông cấp nước cho các hộ dân tại khu vực quận Hà Đông, một phần Nam Từ Liêm, một số xã của huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa...
Ngoài ra, Công ty nước sạch sông Đà còn phân phối nước cho Công ty Đồng Tiến Thành Hà Nam và Cổ phần Tây Hà Nội, Công ty Ngọc Hải để cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn dọc Đại lộ Thăng Long ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức. Sau khi tiếp nhận nước từ nước sạch sông Đà, các công ty này sẽ phân phối tới hơn 80.000 khách hàng trong khu vực.
Tính đến ngày 16/10, gần một tuần sau khi hàng vạn hộ dân kể trên ở các quận huyện phía Tây Nam TP Hà Nội phát hiện nguồn nước sạch nhiễm mùi lạ. TP Hà Nội cũng đã thông tin nước sạch sông Đà có hàm lượng Styren cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần. Trong đó, chỉ số tăng dần từ nhà dân đến nhà máy xử lý nước sạch sông Đà trên Hòa Bình.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước sự việc nước sạch sông Đà có hàm lượng Styren cao hơn giới hạn cho phép, TP Hà Nội đã huy động Công ty Nước sạch Hà Nội cùng Công ty nước sạch sông Đuống cung cấp nước ăn uống bằng xe téc và đấu nối nước vào đường ống cấp nước cho dân cư phía Tây Nam TP.
Đại diện Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, hiện công ty này tận dụng 7 xe téc chở nước sạch miễn phí đến các hộ dân. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân quá cao nên Công ty nước sạch Hà Nội không đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, Công ty này cũng mở cửa 24/24h các nhà máy nước để nhân dân chủ động đến lấy nước về sinh hoạt.
Ngoài ra, Công ty nước sạch Hà Nội còn cho mở thông tuyến ống TD D800 Pháp Vân - đường Vành đai 3. Mục đích của việc thông tuyến nhằm cấp nước từ Công ty nước sạch Hà Nội sang khu vực bán đảo Linh Đàm, Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) và một phần khu vực Khương Trung, Khương Đình giáp đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).
Từ các biện pháp trên, Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, lượng nước cấp cho dân cư phía Tây Nam TP tăng trên 35.000 m3 ngày/đêm. Thực tế cho thấy, công suất hơn 250.000 m3 nước ngày/đêm của Nhà máy nước sạch sông Đà, thì việc Công ty nước sạch Hà Nội cung cấp 35.000 m3 ngày/đêm cho nhân dân sống ở phía Tây Nam TP Hà Nội “chỉ như muối bỏ biển”.