Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Sa: Điểm tựa giữa trùng khơi

(Dân sinh) - Cách đất liền hàng trăm hải lý, Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa như một điểm tựa tinh thần cho quân, dân giữa muôn trùng phong ba bão tố.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, được sự cho phép của cấp trên, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca khi đó là Trung tá Đỗ Thế Tuyến đã cho lập một ban thờ để quân dân đảo Sơn Ca và ngư dân đánh bắt gần đảo đến thắp hương tưởng niệm. Sau đó, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã cải tạo bãi san hô phía trước đảo, xây dựng thành vườn hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vườn hoa tưởng niệm rộng gần 100m2 được xây dựng trong vòng 103 ngày (đúng bằng tuổi thọ của Đại tướng).

Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Sa: Điểm tựa giữa trùng khơi - Ảnh 1.

Chuẩn bị Lễ chào cờ trước lúc cắt băng khánh thành công viên. ảnh CTV

Công viên trên đảo Sơn Ca

Tháng 4/2014, cùng đoàn công tác đến thăm đảo Sơn Ca, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã nảy ra ý tưởng xây dựng Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo. Ý tưởng này nhanh chóng được Bộ Tư lệnh Hải quân ủng hộ và chấp thuận triển khai thực hiện.

Bộ Tư lệnh Hải quân đã lập quy hoạch một khu đất mới, rộng 400m2 để xây dựng công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công trình được xây dựng để tưởng nhớ, tri ân vị Tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngân hàng Quân đội MB là nhà tài trợ duy nhất của công trình ý nghĩa này. Lữ đoàn Công binh Hải quân 131 vinh dự được giao nhiệm vụ trực tiếp xây dựng công viên.

Thiếu tá Phạm Tài Bá, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 131 là một trong những người trực tiếp xây dựng Công viên Đại tướng trên đảo Sơn Ca (khi đó anh là chính trị viên Khung xây dựng công trình). Nói về quá trình xây dựng công viên, Thiếu tá Phạm Tài Bá kể: "Thời tiết ngoài đảo vô cùng khắc nghiệt, chuyển tải vật liệu lên đảo là công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức nhất. Có ngày những người lính Công binh Hải quân cõng đến cả trăm tấn vật liệu chuyển từ tàu vào đảo mà tuyệt đối không được để ngấm nước biển. Để đảm bảo chất lượng xây dựng, công trình phải được xây hoàn toàn bằng nước ngọt. Vì vậy mà người lính Công binh phải sinh hoạt bằng nước biển hàng tháng trời để dành nước ngọt cho xây dựng, nhưng ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi thi đua đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình".

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt nhưng công trình tưởng niệm vị Đại tướng anh hùng dân tộc đã được hoàn thiện đúng tháng 5 - tháng kỷ niệm sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trung tâm công viên là bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cao 1,76m, ngang 1,76m được tạc từ đá sa thạch nguyên khối do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thực hiện. Bức tượng đã thể hiện thần thái uy nghi và quyết đoán của vị Tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, bậc thiên tài quân sự của thế giới, người đã sáng suốt quyết định sớm giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Sơn Ca.

Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Sa: Điểm tựa giữa trùng khơi - Ảnh 2.

Các đại biểu đến thăm đảo Sơn Ca làm lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một bức tường hình vòng cung chạy thành hai cánh ôm phía sau bức tượng dài 24m, cao 2,5m. Trên hai cánh bức tường có trang trí hình sóng cuộn gắn gốm mosai và phía trên gắn 300 bức ảnh tư liệu lịch sử in trên gốm. Các bức ảnh được sắp xếp công phu theo trình tự lịch sử, thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ảnh trên tường tái hiện các giai đoạn lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam từ ngày thành lập cho đến nay, trong đó có nhiều hình ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với các hoạt động và sự kiện chiến đấu của Hải quân Việt Nam.

Thượng tá Nguyễn Như Tuyến, chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết: "Rất vinh dự và tự hào cho cán bộ chiến sĩ trên đảo Sơn Ca khi Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng trên đảo. Chúng tôi coi đây là một vinh dự và trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Công viên là nơi chúng tôi tổ chức sinh hoạt, giáo dục truyền thống quân đội và những cống hiến tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi xây dựng những tiêu chí để cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca học tập và noi theo gương Đại tướng".

Điểm tựa tinh thần nơi đảo xa

Ngày ngày, sau những giờ học tập, công tác, những chiến sĩ trẻ và nhân dân trên đảo lại đến Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dọn dẹp, vệ sinh, cắt tỉa cây cảnh tạo cảnh quan khang trang sạch đẹp. Trung sĩ Cao Ngọc Nguyên, chiến sĩ đảo Sơn Ca cho biết: "Tôi rất tự hào và vinh dự khi được công tác tại đảo Sơn Ca, đặc biệt nơi đây có Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công viên là nơi giúp cán bộ, chiến sĩ chúng tôi an tâm tư tưởng; còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm lịch sử, chiến tích của cha ông để lại để chúng tôi tưởng nhớ và noi theo".

Công trình Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp không những góp phần làm đẹp thêm cảnh quan môi trường trên đảo Sơn Ca mà còn là điểm tựa tinh thần, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca nói riêng và quân, dân huyện đảo Trường Sa nói chung bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Sa: Điểm tựa giữa trùng khơi - Ảnh 3.

Chụp ảnh lưu niệm tại Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trung sĩ Nguyễn Văn Khánh, chiến sĩ đảo Sơn Ca chia sẻ cảm nhận: Thật vinh dự và tự hào khi được công tác trên đảo, nơi có công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi nhận thấy rằng mình phải tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ông Hồ Sinh, 61 tuổi (quê Quảng Ngãi), ngư dân trên tàu QNg 90585 TS, người đã hơn 40 năm gắn bó với ngư trường Trường Sa truyền thống. Đánh bắt hải sản gần khu vực đảo Sơn Ca, ông Sinh thường vào đảo khi trên tàu có người đau ốm cần sự giúp đỡ của các y, bác sĩ, khi thì xin thêm nước ngọt, chút rau xanh… Mỗi lần lên đảo ông Sinh đều đến thắp hương tại Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cho biết: "Chúng tôi đi biển 2 - 3 tháng mới về bờ nghỉ. Đi biển cực lắm, luôn đối mặt với bao nguy hiểm, sóng gió… nhưng lên đảo thắp cho Đại tướng tuần nhang cầu trời yên biển lặng cũng thấy ấm lòng và đỡ nhớ nhà".

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Trên đảo Sơn Ca có xây dựng Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là sự tri ân đối với đồng chí Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chúng tôi luôn lấy tấm gương Đại tướng để phấn đấu và thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng quốc phòng an ninh trên biển".

Không chỉ trên đảo Sơn Ca mà trên các đảo, điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa hôm nay, bên cạnh ảnh thờ Bác Hồ là ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cán bộ, chiến sĩ ra đảo công tác hoặc hoàn thành nhiệm vụ tại đảo chuẩn bị về bờ đều đến thắp hương báo cáo, báo công với Bác, với Đại tướng. Noi gương Đại tướng, cán bộ, chiến sĩ Hải quân hôm nay luôn tích cực học tập, rèn luyện ý chí, vượt mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Sa: Điểm tựa giữa trùng khơi - Ảnh 4.

Các đại biểu dâng hương tại Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.