Sau nhiều tháng sống chung với đại dịch COVID-19, con người đối mặt với nhiều yếu tố tác động có thể dẫn đến hành vi tự tử như mất việc làm, áp lực tài chính và tình trạng cô lập.
Năm 2019, thế giới có hơn 700.000 người chết vì tự tử, chiếm 1/100 trường hợp tử vong trên toàn cầu, nhiều hơn cả HIV, sốt rét, chiến tranh hoặc tội phạm giết người. Theo WHO, cũng trong năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, tỷ lệ tự vẫn hầu như giảm ở khắp mọi nơi, chỉ trừ khu vực châu Mỹ (nơi ghi nhận mức tăng 17%). Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tình hình nhanh chóng thay đổi khi đại dịch COVID-19 lây lan gây ra xáo trộn trong xã hội, làm gia tăng các yếu tố tác động dẫn đến tự tử trên toàn cầu.
Tổng giám đốc WHO cho rằng, thế giới cần quan tâm hơn tới các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tự tử sau nhiều tháng sống chung với đại dịch COVID-19.
WHO đã công bố một loạt hướng dẫn dưới tên gọi "LIVE LIFE" nhằm tăng cường các biện pháp giúp ngăn ngừa tự tử.
WHO còn nhấn mạnh vai trò của truyền thông, kêu gọi tránh đưa tin quá chi tiết về những vụ việc này, đặc biệt là những vụ liên quan người nổi tiếng, có thể tác động tới hành vi của người hâm mộ.