Hiện dịch đã lan sang một số địa phương giáp ranh như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh xa có mối quan hệ rất mật thiết như: Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang…
Tại TP.HCM: 8.400 ca, 45 trường hợp tử vong
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ 18 giờ ngày 7/7 đến 6 giờ ngày 8/7, Thành phố ghi nhận thêm 234 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng 8/7 (BN23152-BN23385). Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có gần 8.400 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 45 bệnh nhân tử vong.
Đáng chú ý, riêng từ 6h ngày 6/7 đến 6h ngày 7/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận 1.693 trường hợp nhiễm nCoV. Phần lớn ca nhiễm ở khu vực cách ly, khu phong tỏa, có 212 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 682 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.
TP.HCM đang điều trị 7.118 bệnh nhân dương tính mới. Trong đó, 335 bệnh nhân nặng tại 11 bệnh viện, 8 trường hợp cần can thiệp ECMO.
Từ 0 giờ ngày 9/7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày. Người dân chỉ được ra khỏi nhà trong các trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác. Tuân thủ thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế: đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn, giữ khoảng cách 2m, không tập trung quá 2 người và khai báo y tế.
Thành phố đã xây dựng phương án đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, bình ổn thị trường và phát huy hiệu quả của kênh mua bán hàng trực tuyến để hạn chế tình trạng tập trung đông người, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đồng thời đang xét duyệt hồ sơ hỗ trợ cho gần 70.000 người bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, gồm người buôn gánh bán bưng, bán vé số (trong đó có gần 8.600 người tạm trú), bốc vác, lượm ve chai, xe ôm...
Người dân hãy tin tưởng và chung sức cùng lãnh đạo Thành phố trong thời gian 15 ngày giãn cách xã hội. Phát huy tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch. Đồng thời ủng hộ, cảm thông khi Thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Tại Bình Dương: Gần 1.000 ca, 1 trường hợp tử vong
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến 17h ngày 7/7/2021, Bình Dương ghi nhận 140 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trong tỉnh tính từ đợt dịch thứ tư lên 998 ca.
Trong số 140 ca mắc mới có 131 ca phát hiện ở khu cách ly, 9 ca phát hiện tại cơ sở y tế. Các ca mắc liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH Wanek 2; Công ty Việt Nam House Wares; Công ty gốm sứ Hiền Hòa Anh; Công ty TNHH II-VI; Công ty PG; lây nhiễm từ TP. Hồ Chí Minh (chợ Bình Điền); phường Tân Định, TX. Bến Cát. Các ca phát hiện khi test nhanh tại các cơ sở y tế cư trú tại phường Chánh Phú Hòa, Thới Hòa, Mỹ Phước (TX.Bến Cát), phường Khánh Bình (TX.Tân Uyên).
Liên quan đến ổ dịch tại các chi nhánh của Công ty Wanek, đến nay đã có 405 ca mắc, trong đó có 3 ca liên quan Công ty Wanek 1; 401 ca liên quan Công ty Wanek 2 và 1 ca tại Công ty Wanek 4. Các ca mắc mới của chuỗi lây nhiễm này đều được phát hiện trong khu cách ly.
Riêng các ổ dịch mới được ghi nhận tại Bình Dương, liên quan đến Công ty Hansol Vina (TP. Dĩ An) có 57 ca bệnh; liên quan đến 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện tại An Tây - Bến Cát, hiện tại đã có 9 ca mắc trên địa bàn TX.Bến Cát. Với ổ dịch mới được ghi nhận tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng (5 ca), ổ dịch này có thể sẽ còn xuất hiện ca mắc mới do liên quan đến khu vực gần chợ, đông dân cư.
Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 998 ca mắc Covid-19. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 41 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.
Lũy kế đến nay, Bình Dương đã có 1.044 ca mắc Covid-19 (gồm: 32 công dân Việt Nam về từ nước ngoài do Quân khu 7 điều tiết, 7 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, 1.004 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 1 ca nhập cảnh trái phép từ Campuchia). Số bệnh nhân đang điều trị là 995 người, 1 trường hợp tử vong ngày 4/7/2021.
Tỉnh đang triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 4 cho 24.000 người, trong đó có 18.000 công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
Tỉnh Đồng Nai: 142 ca, 1 trường hợp tử vong
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong ngày 7/7, toàn tỉnh phát hiện 23 ca dương tính mới với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 toàn tỉnh từ trước đến nay lên 142 ca. Trong đó, 32 trường hợp đã được điều trị khỏi, 109 trường hợp đang điều trị và 1 trường hợp tử vong.
Trong số 109 ca bệnh Covid-19 có 92 ca liên quan đến ổ dịch chợ Hóc Môn, 7 ca liên quan đến ổ dịch chợ Bình Điền, TP.HCM, còn lại là các ca ở những địa phương khác đến Đồng Nai thực hiện xét nghiệm test nhanh và được phát hiện; một số ca liên quan đến ca bệnh làm việc tại các công ty ở TP.HCM.
Liên quan đến công tác cách ly tập trung, toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 ngàn người đang thực hiện cách ly tập trung. Trong đó, hơn 1,1 ngàn người thuộc diện F1; 42 người thuộc diện F2 nguy cơ cao; còn lại đến từ vùng dịch trong nước, vùng dịch nước ngoài, ngồi cùng chuyến bay với ca dương tính. Ngoài ra, hơn 7.000 trường hợp khác đang cách ly tại nhà và gần 1.000 người cần theo dõi sức khỏe.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tự giác. Những trường hợp nào có liên quan đến các ổ dịch Covid-19 ở TP.HCM, những ca bệnh Covid-19 cần khẩn trương liên hệ với cơ sở y tế nơi sinh sống để khai báo y tế và thực hiện xét nghiệm khi cần thiết.
Lãnh đạo UBND tỉnh giao các sở, ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ UBND TP. Biên hòa trong việc tổ chức cách ly y tế tại 10 vùng cách ly nêu trên. Giao UBND TP. Biên Hòa chủ động làm việc với các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, triển khai phương án cách ly tạm thời khu vực cách ly y tế, đảm bảo khoanh vùng, khống chế, kiểm soát kịp thời dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình sức khỏe của nhân dân trong các khu vực cách ly y tế để kịp thời xử lý khi cần thiết.
Tỉnh Long An: 237 ca mắc Covid-19
Ngày 29/5, Long An là tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có ca mắc Covid-19. F0 ban đầu là BN6325, nam đầu bếp tại khách sạn Sheraton, số 88 Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM. Người này quê quán ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc.
Ngày 30/5, Long An ghi nhận 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Đó là cặp vợ chồng quê ở xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh. Họ sống tại TP.HCM và về thăm nhà ở Long An.
Sau đó, Long An phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm khác, đều liên quan bệnh nhân ở TP.HCM. Đến sáng 7/7, tỉnh đã ghi nhận 237 ca mắc Covid-19.
Tỉnh Tiền Giang: 197 ca mắc Covid-19
Ngày 5/6, Tiền Giang ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên của làn sóng thứ 4 - BN8430, là sinh viên và từng tiếp xúc gần một trường hợp F0. Bệnh nhân làm việc tại một quán chè trên đường Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM. Sau hơn một tháng, Tiền Giang có tổng cộng 197 bệnh nhân Covid-19.
Trà Vinh có 3 ca nhiễm trong cộng đồng xuất phát từ nam sinh quê ở huyện Cầu Kè, đang học tại một trường đại học ở TPHCM, tiếp xúc gần với ca nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Tổng F0 của tỉnh đến ngày 7/7 là 13.
Ngày 1/6, Đồng Tháp phát hiện trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 trong đợt dịch này, Nam bệnh nhân 31 tuổi, trú tại huyện Tháp Mười, từng tiếp xúc 2 F0 liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (TP.HCM). Tỉnh đã ghi nhận 330 bệnh nhân Covid-19.
Tỉnh Đồng Tháp: 361 ca mắc Covid-19
Tính đến 12 giờ ngày 7/7/2021: Tổng số ca mắc Covid-19: 391 ca; từ ngày 24/6/2021 là 361 ca.
Ngành chức năng đề nghị các địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp hành chính trong phòng chống dịch theo mức độ nguy cơ của chính quyền địa phương và thông điệp 5K của Bộ Y tế, thực hiện khai báo y tế tại website: https://tokhaiyte.vn, http://kbyt.ytedongthap.vn.
Tỉnh Vĩnh Long: 32 ca mắc Covid-19
Thông tin từ BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, tính từ 18 giờ ngày 6/7 đến 7 giờ ngày 7/7, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận thêm 5 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Trong đó, 3 ca là F1 của Công ty TNHH Tỷ Xuân (Khu Công nghiệp Hòa Phú- Long Hồ), 2 ca test nhanh tại chốt kiểm soát dịch số 1 (phường Tân Ngãi- TP Vĩnh Long), yếu tố dịch tễ liên quan đến chợ đầu mối Lạc Quang (quận 12- TP Hồ Chí Minh), có địa chỉ ở tỉnh Sóc Trăng.
Tính đến sáng 7/7, Vĩnh Long ghi nhận 32 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trong đó, có 16 ca được tỉnh phát hiện trong ngày 6 và sáng 7/7 chưa được Bộ Y tế công bố. Hiện, tỉnh truy vết được 292 F1 đang cách ly tập trung và trên 1.000 F2 đang được theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.
Tỉnh An Giang: 1 trường hợp tử vong
Trong ngày 7/7, An Giang phát hiện thêm 15 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, huyện An Phú: 13 trường hợp (chuỗi của ca bệnh BN16.660). Huyện Tịnh Biên: 1 trường hợp; Tân Châu: 1 trường hợp cách ly sau khi nhập cảnh. Tại An Giang, tính đến 16h ngày 7/7, tổng số trường hợp mắc COVID-19 đến nay là 96 trường hợp (có 1 trường hợp tái dương tính), 1 trường hợp tử vong.