Theo hãng tin AP, các nhà nghiên cứu tại CDC đã xét nghiệm mẫu máu của trên 200.000 người Mỹ để tìm kháng thể ngăn virus SARS-CoV-2 được hình thành từ lây nhiễm tự nhiên, không phải vaccine. Họ phát hiện ra rằng các dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng lên đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022, khi biến thể Omicron dễ lây lan hơn bùng phát tại Mỹ.
Cụ thể, vào tháng 12/2021, 34% người Mỹ nói chung có dấu hiệu đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Chỉ hai tháng sau, con số này đã tăng lên 58%. Tiến sĩ Kristie Clarke, trưởng nhóm theo dõi mức độ lây nhiễm của virus SARS-Cov-2 tại CDC cho biết: “Tôi đã dự đoán số người mắc COVID-19 sẽ tăng lên. Song tôi không nghĩ rằng con số này sẽ tăng lên nhiều như vậy ”.
Số liệu mới được đưa ra trong bối cảnh hãng dược phẩm Pfizer đã xin cấp phép tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhóm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Trong báo cáo của CDC, làn sóng lây nhiễm đã gia tăng đáng chú ý ở trẻ em. Tỷ lệ trẻ dưới 17 tuổi có kháng thể virus SARS-CoV-2 đã tăng từ khoảng 45% vào tháng 12/2021 lên khoảng 75% vào tháng 2 năm nay.
Đặc biệt, số ca COVID-19 đã tăng mạnh vào thời điểm này, sau đó lại giảm mạnh. Tuy nhiên, số ca mắc hàng ngày đang có xu hướng tăng trở lại trong những tuần gần đây. Song ca mắc chủ yếu ở mức độ nhẹ, đến mức bệnh nhân không cần điều trị.
Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC cho biết biến thể BA.1, nguyên nhân gây ra sóng Omicron, hiện chỉ chiếm 3% số ca lây nhiễm ở Mỹ. Bà cho biết BA.2.121- biến thể phụ lần đầu được phát hiện ở ngoại ô New York - chiếm gần 30% các trường hợp ở Mỹ và dường như có khả năng lây nhiễm cao hơn 25%.
Ở một số khu vực có mức độ lây nhiễm trong cộng đồng cao, CDC khuyến cáo người dân nên tuân thủ đeo khẩu trang ở những nơi công cộng hoặc không gian trong nhà. Trong đó, vùng ngoại ô New York và Đông Bắc nước Mỹ là những khu vực có số ca nhập viện đang gia tăng.
Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng những người từng mắc COVID-19 sẽ sinh kháng thể ngăn bệnh nặng trong tương lai. Tuy nhiên, giới chức CDC nhấn mạnh những người đã từng nhiễm virus vẫn nên tiêm vaccine. Các nhà khoa học đang nghiên cứu vai trò của loại kháng thể này trong việc bảo vệ cơ thể khỏi phơi nhiễm virus trong tương lai.
Giới chức kêu gọi người Mỹ nên tiêm vaccine và mũi tăng cường nhằm cung cấp khả năng bảo vệ bổ sung phòng bệnh COVID-19, kể cả những người đã từng mắc bệnh trước đó.
Hiện tại, Mỹ đã cung cấp mũi vaccine tăng cường cho dân số trên 12 tuổi. Tuy nhiên, hôm 26/4, Pfizer/BioNTech đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này cấp phép cho trẻ em ở độ tuổi tiểu học khỏe mạnh được tiêm mũi tăng cường - khoảng 6 tháng sau mũi thứ 2. Công ty dược phẩm đã dẫn một nghiên cứu nhỏ cho thấy tiêm mũi tăng cường cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi giúp cải thiện các kháng thể có khả năng chống lại biến thể Omicron siêu lây nhiễm. Liều lượng các mũi tiêm của trẻ em chỉ bằng 1/3 liều tiêm cho người trưởng thành.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính ngày 27/4, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 510.587.373 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.248.113 ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.757.704 người, trong đó có 1.018.730 ca tử vong.