Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương, diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch. Đây được coi là ngày có thời điểm khí dương thịnh nhất trong năm, với thời gian Mặt trời chiếu sáng dài nhất.
Ở nước ta, dân gian còn gọi ngày 5/5 âm lịch là Tết diệt sâu bọ, bởi đó là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng. Theo quan niệm của người xưa, ăn mận, vải, dưa hấu, bánh gio, rượu nếp... trong ngày này, đặc biệt là lúc mới ngủ dậy sẽ khiến sâu bọ, giun sán trong người chết hết.
Thế nhưng bạn có thắc mắc, vì sao người xưa lại ăn rượu nếp trong ngày tết này?
Theo quan niệm xưa, hệ tiêu hóa chúng ta thường có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, nếu không diệt trừ bớt thì sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tai hại.
Tuy nhiên, việc tiêu diệt chúng không phải thời gian nào cũng có thể làm được, chỉ có ngày mùng 5/5 âm lịch chúng mới ngoi lên. Do đó, người xưa dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để giết sâu bọ, là những con giun, sán, ký sinh trùng trong cơ thể.
Và rượu nếp hay cơm rượu nếp là món ăn hoàn hảo hội tụ đầy đủ những vị như thế được trọng dụng. Người xưa còn cho rằng, ăn rượu nếp, nhất là khi bụng đói sẽ làm cho các chú sâu trong bụng dễ say rồi chết ngất.
Dưới góc độ khoa học, lớp cám của vỏ gạo nếp rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm cả gluxit, protit, lipit, các muối khoáng. Trong đó, vitamin nhóm B và chất xơ là có nhiều hơn cả. Ăn cả nước lẫn cái của cơm rượu nếp sẽ giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng nữa.
Có bao nhiêu loại cơm nếp tất cả?
Là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ nhưng rượu nếp ở mỗi vùng lại có sự khác nhau đôi chút.
Nếu cơm rượu nếp miền Bắc được nấu bằng gạo nếp với men rượu, ủ khoảng 2 - 3 ngày cho ngấm. Cơm rượu nếp miền Trung là những viên cơm nếp nguyên miếng, thơm ngọt. Cơm rượu nếp miền Nam không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ.
Dẫu có ngoại hình ra sao thì đây vẫn là món ăn được nhiều người ưa thích để diệt sâu bọ.