Theo một tài liệu nghiên cứu, thực dân Pháp thực sự sử dụng quyền sở hữu đảo Côn Lôn vào lúc 10 giờ thứ năm, ngày 28/11/1861. Khi đó, 129 binh lính của triều đình Huế bị giam giữ trong một đồn lũy. Vợ con của tù binh sống trong những túp lều lụp xụp quanh đồn. Sau một năm, số tù binh và vợ con được chuyển vào đất liền. Ngày 18/3/1862, Giám đốc đầu tiên của nhà tù khổ sai trên đảo Côn Lôn - Đại úy Hải quân F. Roussel đã đề nghị Đô đốc Bonard - Thống đốc Nam Kỳ đầu tiên - cho phép gửi các nữ tù nhân đến Côn Lôn: “Sự ra đi của vợ các quân tù và tù nhân Cao Miên đã khiến Côn Lôn không còn bóng dáng người phụ nữ. Tôi tin rằng việc đưa những nữ phạm nhân đến đây sẽ là một tài sản lớn đối với vùng đất này, khiến người dân gắn bó với đất đai hơn...”. Tuy nhiên, đề nghị này không được Đô đốc Bonard chấp thuận mà phải đợi đến người kế nhiệm ông ta - Đô đốc Lafont. Thông báo gửi các tù nhân nữ đến Côn Lôn đã khiến viên sĩ quan quản lý đảo không hài lòng chút nào. Ngày 29/10/1879, viên sĩ quan này gửi bức thư khá hài hước đến cấp trên: “Hai con gà trống chung sống hòa bình. Một con gà mái đến và chiến tranh nổ ra. Điều đó muốn nói lên rằng khi số gà trống nhiều hơn số gà mái thì bình yên không còn tồn tại trong cái chuồng gà nữa. Để tránh lộn xộn, tôi buộc phải tách ly hoàn toàn tù nhân nam và tù nhân nữ. Tôi cho rằng các tù nhân không quá xinh và trẻ, nhưng Côn Lôn rất hiếm phụ nữ. Các cảnh sát và cai ngục người Âu đã chịu đựng quá nhiều thiệt thòi nên không thể lường trước hậu quả có thể xảy ra...”.
Một góc Trung tâm cải huấn Trại Phú Hải ở Côn Đảo. Ảnh tư liệu
Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng cho hay, sau khi phong trào kháng thuế, cự sưu năm 1908 nổ ra ở Quảng Nam và Trung kỳ, cụ và rất nhiều chí sĩ yêu nước bị thực dân Pháp kết án và đày ra Côn Lôn. Lúc này, ngoài tù nhân chính trị, đảo đã có một khám “giam tù đàn bà làm xâu may áo quần cho tù”. Khi ở đất liền, họ có nhiều tội lỗi rất nghiêm trọng: giết chồng, giết bố mẹ chồng, trộm cắp... Luật tù quy định “tù đàn bà” thường ngày phải ở trong khám làm nghề may, không được giao tiếp với “tù đàn ông”; chỉ có tù nhà bếp và tù làm xâu sở tải (tức tù làm vệ sinh) mới được vào nhà giam nữ. Mỗi tháng, “tù đàn bà” được ra nhà giấy lãnh tiền công, khi có bệnh đi nhà thương hoặc khi viết thư gửi về nhà thì có người dẫn ra phòng giấy Gardien Chef nhờ bạn viết hộ.
Cả nhà tù khổ sai Côn Lôn chỉ có hơn mười “tù đàn bà” trong khi đó lại có tới ngàn “tù đàn ông” nên theo cụ Huỳnh, sự có mặt của nữ tù nhân là “chuyện điểm nhiễm có thú”, nam tù nhân xem họ là “thứ “hoa biết nói” giữa gò sỏi”! Giữa chốn lao lung, mặc dù bị ngăn cấm ngặt nghèo song “tù đàn ông” và “tù đàn bà” vẫn nảy nở tình cảm: “Trong đám tù đực có tay kiệt xảo, đi làm xâu, kiếm được món đồ ăn (chuối, bánh, cá v.v.), thường gửi làm quà cho mấy chị tù cái đó, cũng có cặp kết đôi như làm “vợ chồng khô” (vợ chồng mà không được ở chung nhau). Hãy nghe cụ Huỳnh kể lại câu chuyện thi tù độc đáo cách đây hơn một thế kỷ. Chuyện rằng, Nguyễn Giới Phu, đỗ tú tài, tên thật là Nguyễn Nguyên Thành, người Thanh Hóa, có văn tài mà bị bệnh điếc. Ngày nọ, Giới Phu làm xâu sở tải cầm chổi vào quét phòng nữ tù. Khi chị em xúm lại xung quanh hỏi chuyện lăng xăng, ông ta chỉ nở nụ cười. “Tù đàn bà” không biết vị tú tài bị điếc nên ngó nhau cười rộ. Sau đó, biết chuyện, Giới Phú bèn làm bài thơ:
Một đóa hoa thơm một đoạn tình,
Trêu người rối rít tiếng chim oanh.
Giới Phu chả biết điều khêu cợt,
Đứng dựa bên tường cứ lặng thinh
Câu chuyện thứ hai mà cụ Huỳnh kể liên quan đến cụ Thai Sơn (Đặng Nguyên Cẩn), người bạn thân thiết của nhà cách mạng Phan Bội Châu. Cùng với Ngô Đức Kế, Thai Sơn khởi xướng phong trào Tân học ở Nghệ Tĩnh. Cụ từng làm quan ở kinh đô Huế, sau đó làm Đốc học ở Nghệ An và Bình Thuận. Học trò của cụ có nhiều người nổi tiếng như Ngư Hải (Đặng Thái Thân), Tùng Nham (Nguyễn Văn Ngôn). Một ngày, khi Thai Sơn và các bạn tù đan đệm trước khám thì có hai nữ tù được người mata dẫn đi ngang qua. Một “tù đàn bà” độ hai mươi lăm tuổi “trông dạng mặt cũng sạch” nhìn nhóm tù nam và cất tiếng hỏi: “Ai là quan Đốc?”. Vì sao cụ Thai Sơn được chị em tù quan tâm như thế? Thì ra, thường ngày, cụ Huỳnh và nhóm tù chính trị ai cũng tôn kính quan Đốc Thai Sơn như bậc thầy. Những người tù khác thấy thế có ý kiêng nể. Nghe được chuyện này, “tù đàn bà” tò mò muốn biết quan Đốc là ai mà được trọng vọng như vậy. Sau đó vài hôm, đột nhiên có một người tù trong nhà bếp (thường đem cơm trong khám tù nữ) cầm một cái đãy đựng thuốc kính cẩn đưa cho cụ Thai Sơn và cho biết đấy là của người nữ tù gọi quan bữa trước. Khá bất ngờ và kỳ thú trước câu chuyện lạ này, Thai Sơn ứng khẩu bài thơ:
Tóc xanh răng trắng gái thuyền quyên/ Dạo bước sen vàng thoảng trước hiên/ Động khẩu vô tình kêu Nguyễn Triệu/ Nam minh có khách biết Hồ Thuyên/ Ba sinh mắt thấy tu dày phúc/ Một nết, tình đưa sóng dễ nghiêng/ Tiếc nỗi ai lầm yêu đến tớ/ Có chăng kiếp khác kết dây duyên?
Trong bài thơ, Thai Sơn đã dùng đến các điển tích: Nguyễn Triệu, người đời Hán, vào núi Thiên Thai hái thuốc có tiên nữ gọi tên, còn Hồ Thuyên, danh thần đời Tống bị đày ra Nam Hải, khi được tha về, lại được gặp nàng Lê Oa tiếp rượu!
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan”. Tưởng rằng, một con người kiên cường như thế, bất khuất như thế chắc phải lạnh lùng và khô khan lắm về mặt tình cảm. Thế nhưng, qua các câu chuyện kể về “tù đàn bà” ở nhà tù Côn Lôn, chúng ta được “diện kiến” một Huỳnh Thúc Kháng khác: một con người giàu lòng trắc ẩn, biết phát hiện, nâng niu, trân quý những giá trị tốt đẹp trong tâm hồn những người “dưới đáy xã hội” (nữ tù nhân) và giới thiệu cho độc giả thưởng lãm. Đó là nét phẩm chất đáng kính của một danh nhân mang đậm “chất Quảng Nam”, một “Gương mặt lớn của lịch sử cận hiện đại cũng là lịch sử cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX”.