Kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 kỳ bầu cử. Và vào ngày 23/5 tới đây, cử tri cả nước sẽ lại nô nức đi bầu cử để chọn ra những người đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thực sự xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Phấn khởi, vinh dự, tự hào nhưng cũng xen lẫn cả sự hồi hộp đó là tâm trạng chung của những cử tri trẻ lần đầu được đi bỏ phiếu. Năm nay tròn 18 tuổi, lần đầu tiên được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, trực tiếp bầu ra những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cử tri Nguyễn Tiến Lộc ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội không khỏi háo hức, tự hào. Bởi đây là lần đầu tiên anh được ghi tên vào danh sách cử tri, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của công dân nước Việt Nam, có thể sử dụng lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân để thể hiện quan điểm, sự lựa chọn người đại biểu xứng đáng vào cơ quan dân cử.
Còn với những bậc lão thành, đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mỗi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lại là dịp khơi gợi lại những kỷ niệm, ký ức không bao giờ quên. Ông Đỗ Khắc Thư, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên ông tham gia là năm 1976 mang ý nghĩa to lớn với cả dân tộc và để lại nhiều kỷ niệm với bản thân ông. Bởi đó là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ 2 sau khi đất nước thống nhất. Hơn 40 năm trôi qua, sự kiện ấy vẫn luôn in đậm trong tâm trí ông Đỗ Khắc Thư.
Hơn 40 năm qua, ông Vũ Tất Thông, ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội luôn trân trọng và giữ gìn Tấm thẻ cử tri như một kỷ vật quý giá. 24 tuổi lần đầu tiên được đi bỏ phiếu và cũng là lần đầu tiên ông Vũ Tất Thông được vinh dự tham gia vào tổ bầu cử. Tham gia nhiều cuộc bầu cử, chứng kiến nhiều sự đổi thay của đất nước nhưng cuộc bầu cử năm 1976 vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt trong ông. Ông Vũ Tất Thông cho biết: “Cảm xúc vẫn dâng trào làm cho mỗi người nhớ đến quá khứ oanh liệt của đất nước, vì vậy tôi luôn tự hào cố gắng làm sao sống sao cho xứng đáng với những con người trong quá khứ đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước để đem lại tương lai tương sáng để Nhân dân cả nước cứ 5 năm một lần lại được dự Ngày hội non sông”.
Còn với những cử tri tại thành phố mang tên Bác, ký ức về ngày bầu cử Quốc hội khóa VI - ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất cũng vẫn vẹn nguyên.
Bà Nguyễn Thị Hồng, phường 6, quận 4, TP Hồ Chí Minh đang khá bận rộn với công việc là thành viên tổ bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại địa phương mình. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, bà vẫn nhiệt tình tham gia các tổ, hội, cống hiến sức mình cho công việc chung. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khóa VI ngày 25/4/1976, lần bầu cử Quốc hội đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bà Hồng là một trong hàng chục vạn công dân Thành phố có được niềm vinh dự ấy. "Ngày đi bầu cử Quốc hội như ngày hội lớn, cờ hoa rực rỡ, ai ai cũng phấn khởi" - bà Nguyễn Thị Hồng nhớ lại. Không khí của ngày hội toàn dân lan tỏa đến từng con đường, con hẻm trước ngày đi bầu; loa tuyên truyền về công tác bầu cử được phát thường xuyên giúp người dân nắm rõ thông tin về danh sách người ứng cử, cách bỏ phiếu… Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với bà Hồng chính là cái nghĩa, cái tình, sự đoàn kết của người dân trong ngày hội lớn này. "Thấy anh em trong tổ bầu cử vất vả, nhiều người dân mang gà, trái cây đến "tiếp sức" khiến không khí trong ngày bầu cử Quốc hội trở nên sôi nổi, ấm áp hơn", bà Hồng cho biết.
Năm nay đã 93 tuổi, cụ Ðinh Văn Huệ, phường 15, quận 10, TP. Hồ Chí Minh vẫn nhớ như in những lần được tham gia bầu cử từ khóa Quốc hội đầu tiên ngày 6/1/1946 đến kỳ Quốc hội khóa VI ngày 25/4/1976. Ngày bầu Quốc hội khóa VI, khi được cầm lá phiếu trên tay, cụ tin tưởng vào những bước đi thắng lợi mới của đất nước khi có được sự đồng thuận, đồng lòng, sự ủng hộ của toàn dân. Trong những lần bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, cụ Ðinh Văn Huệ cho biết đó là niềm tự hào, là hạnh phúc của người công dân nước Việt, cụ hiểu rõ hơn giá trị lá phiếu đi bầu bởi có biết bao xương máu của đồng đội, của người dân đã đổ xuống để toàn dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, bầu lên một chính quyền mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.