Gánh nặng việc nhà, việc nước
Chị Nguyễn Thị Nhung (ở phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm việc tại Công ty Nissan thường phải đi sớm về muộn, công việc luôn bận rộn. Chị Nhung chia sẻ: “Để có được mức lương cao trong một công ty nước ngoài không phải là dễ, chúng tôi phải chịu rất nhiều áp lực trong công việc ở cơ quan nhưng khi về nhà tôi vẫn phải quán xuyến mọi việc trong gia đình, từ chợ búa cơm nước, dạy con học… Chồng tôi làm ở một cơ quan nhà nước có thời gian rảnh hơn nhưng vẫn nặng quan niệm: cơm nước, chợ búa là việc của phụ nữ. Hôm nào bận việc về muộn, chồng phải nấu cơm thì mặt nặng mày nhẹ cứ như là mình dồn việc cho chồng để đi chơi. Có muốn chồng dạy con học cũng phải ngọt nhạt nhờ vả. Nhiều người khuyên tôi phải phân công công việc rõ ràng, nhưng nếu tôi làm thế chồng sẽ cho rằng tôi cậy thế làm ra tiền cưỡi đầu cưỡi cổ chồng”.
Ảnh minh họa.
Còn chị Nguyễn Thị Xuân (ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị cưới nhau đã được 15 năm, chị sống cùng bố mẹ chồng, mà quan niệm của các cụ là đàn ông phải làm việc lớn, còn việc nhà là việc của phụ nữ. Vì vậy cứ thấy chồng cơm nước giúp vợ là các cụ lại nhắc khéo. Chồng chị vì giữ thể diện với bố mẹ có muốn giúp vợ cũng không dám. Vì quá bận việc gia đình, chị không thể toàn tâm toàn ý với công việc ở cơ quan. “Thời gian của mình chỉ có vậy, đã quá bận việc này thì phải giảm bớt việc kia. Vì vậy những năm trước con còn nhỏ hầu như chẳng năm nào chị đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua mà chỉ là lao động tiên tiến” - chị Xuân than thở.Tại một diễn đàn về bình đẳng giới trong gia đình, một chị tâm sự: “Mình cũng đi làm và kiếm tiền như chồng nhưng mọi công việc trong gia đình khiến mình bận rộn từ sáng đến 11 giờ đêm mới xong. 8 tiếng đồng hồ làm việc ở cơ quan, còn lại là thời gian cơm nước, nhà cửa, chợ búa, dạy con học hành khiến mình lúc nào cũng quay như “chong chóng”. Nhiều lúc thấy tủi thân khi chồng đi làm về ngồi gác chân xem ti vi, mọi nhu cầu được phục vụ tận nơi: sắp đi tắm còn có người sửa soạn quần áo, đến bữa thì ngồi vào mâm, ăn xong đứng dậy coi như xong. Vợ chồng ở với nhau góp ý mãi mà chồng không thay đổi thì cũng đành làm luôn cho xong, chẳng nhẽ vì những chuyện này mà suốt ngày to tiếng với nhau”.
Khi đàn ông chỉ biết làm …trụ cột
Với việc gánh vác hầu hết các việc nội trợ, phụ nữ phải dành cho các công việc gia đình trung bình mỗi ngày 4,2 giờ, nhiều hơn chồng 2,2 giờ/ngày. Thêm vào đó, người phụ nữ thường phải vận dụng để có thể cùng một lúc làm được nhiều việc như vừa đi chợ, nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, vừa trông con, kèm con học hoặc chăm sóc người già, người ốm… khiến họ luôn thiếu thời gian và mệt mỏi.
Báo cáo kết quả nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) vừa được công bố tại Hà Nội. Nghiên cứu đã khảo sát định lượng và định tính đối với gần 8.500 người cả nam và nữ tại 11 tỉnh, thành phố suốt từ năm 2012 đến 2015. Kết quả cho thấy, có sự “vênh” lớn giữa phân công việc nhà. Có tới 97% phụ nữ và 90% đàn ông cho biết, nam giới trong gia đình họ chỉ tham gia từ 0-2 việc trong số 11 việc được liệt kê (đi chợ, rửa bát, nấu ăn, giặt quần áo, dọn dẹp, chăm sóc người ốm, việc hiếu hỉ, đưa đón con...). 90,9% nữ và 78,6% nam cho biết phụ nữ làm ít nhất 5 đầu việc trở lên. Tỷ lệ này tương tự ở nông thôn khi cho rằng 97% nữ và 89,5% nam cho rằng nam giới chỉ làm từ 0-2 việc trong gia đình.
Bản báo cáo chỉ ra rằng phụ nữ ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều rào cản cả trong sự nghiệp, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Xã hội vẫn mặc nhiên coi rằng việc chăm sóc và hỗ trợ chồng con và các thành viên của hai bên gia đình nội ngoại là trách nhiệm hoàn toàn của người phụ nữ.
“Không ít đàn ông thừa nhận họ không làm việc nhà nào cả. Khi chúng tôi ngạc nhiên hỏi: “Thế anh làm gì trong gia đình”, có người ngượng nghịu nói bận rộn, đi làm kiếm tiền. Có anh rất hồn nhiên bảo: “Tôi làm trụ cột”, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS chia sẻ.
Cũng theo TS Khuất Thu Hồng, chính vì sự phân công lao động theo quan niệm giới truyền thống khiến chị em thường dễ chấp nhận không đi làm hoặc làm các công việc có thu nhập thấp để có thời gian chăm sóc chồng con. Phụ nữ cũng không được khuyến khích học cao hơn chồng để tránh xung đột trong gia đình, thậm chí họ cũng phải âm thầm chịu đựng bạo lực gia đình để duy trì sự êm ấm trong nhà. Thực tế đó đã hạn chế cơ hội của phụ nữ trong học tập, theo đuổi sự nghiệp, tham gia các hoạt động xã hội và chính trường.
Bình đẳng giới trong gia đình cần thiết sự chung tay của nam giới. Một người cha tận tình việc nhà sẽ chắp nối cho con cái, đặc biệt là con trai ý thức được trách nhiệm với gia đình, chia sẻ được với người thân trong một mái nhà. Cũng như nam giới, phụ nữ cũng cần một “hậu phương” - đó là gia đình, làm hậu thuẫn cho mọi thành đạt, niềm vui cho những cống hiến, phấn đấu. Do đó để đạt được bình đẳng giới thực chất cần bắt đầu bằng những chung tay nhỏ nhặt từ việc nhà.
Theo thống kê của Viện Khoa học xã hội Việt Nam năm 2000, thì tỷ lệ phụ nữ đi chợ mua thức ăn là 88,6%, nam là 5,5%; việc phụ nữ nấu cơm là 79,9% và nam là 3,3%; công việc giặt giũ ở nữ là 77,3% và 2,8% là nam; trong khi đó, đối với việc chăm sóc người ốm và chăm sóc con cái, tỉ lệ vợ chồng làm ngang nhau là cao hơn, tương ứng là 33,3% với nữ và 38,2% với nam. |