Chia sẻ kinh nghiệm Á – Âu
Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động và Chính sách xã hội Bungari Ivailo Kalfin đã đánh giá cao nỗ lực của các thành viên quốc gia trong việc thực hiện “Tuyên bố Hà Nội năm 2012” và về những thành tựu mà các quốc gia đã đạt được trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Trong phần tham luận, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền điểm lại những thành tựu các quốc gia thành viên đạt được ở cấp quốc gia và khu vực trong các lĩnh vực: Thúc đẩy việc làm và tạo việc làm bền vững, đặc biệt là cho thanh niên và các nhóm lao động dễ bị tổn thương; thúc đẩy thực thi Sàn an sinh xã hội hiệu quả do các quốc gia xây dựng- công cụ hữu dụng để đảm bảo thu nhập tối thiểu, giảm nghèo đói, thu hẹp bất bình đẳng và thúc đẩy hòa nhập xã hội ở cả khu vực kinh tế chính thức và khu vực phi chính thức; nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc các đối tác ASEM cùng chia sẻ kinh nghiệm về việc thông qua thực hiện và đánh giá các chiến lược quốc gia về An toàn,vệ sinh lao động tại các nước ASEM; thúc đẩy thực thi các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nỗ lực thực hiện pháp luật trong nước nhất quán với các tiêu chuẩn lao động của ILO.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tại hội nghị lao động, việc làm Á - Âu.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cả 2 khu vực và mỗi nước thành viên ASEM đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như là: Các vấn đề về lao động, việc làm và khía cạnh xã hội của chúng; các vấn đề về kinh tế, tài chính cần được quan tâm nhiều hơn nhằm tăng cường sự điều phối và gắn kết giữa các chính sách kinh tế và xã hội, đồng thời phải tăng cường quan tâm và giải quyết các khía cạnh xã hội của toàn cầu hóa... Từ các thách thức này, đòi hỏi các nhà lãnh đạo ASEM cần phải có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc chia sẻ kinh nghiệm và các bài học điển hình về xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật giữa các nước thành viên ASEM. Đồng thời các nước thành viên ASEM cũng cần thúc đẩy và mở rộng hợp tác tại các diễn đàn trong khuôn khổ toàn cầu, khu vực và ASEAN nhằm: Đẩy mạnh đối thoại xã hội; thảo luận sâu hơn về các vấn đề cùng quan tâm liên quan tới các chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Kinh nghiệm của Việt Nam
Chia sẻ những thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy việc làm bền vững, đảm an toàn lao động và an sinh xã hội cho người lao động, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Chính phủ đã quan tâm đầu tư nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu giải quyết việc làm, dạy nghề, thúc đẩy tạo việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội, an toàn vệ sinh lao động. Việt Nam đang phát triển quan hệ lao động thông qua việc đẩy mạnh đối thoại xã hội, xây dựng cơ chế thông tin - dự báo, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường, nội địa hóa bộ công cụ đánh giá nhanh việc làm bền vững trong các chương trình, chính sách phát triển của ngành, địa phương, tăng cường hợp tác và thúc đẩy mô hình việc làm bền vững cho người lao động và nhóm yếu thế, chủ động mở rộng trong quan hệ hợp tác song phương tại các diễn đàn quốc tế và khu vực...
Trong giai đoạn tới, Việt Nam đang phải giải quyết một loạt vấn đề như: Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh chưa cao, đặc biệt là trong khu vực nông thôn, khu vực phi kết cấu, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; quản trị thị trường lao động và quản lý di chuyển lao động trong bối cảnh thị trường khu vực và quốc tế rộng mở. “Việt Nam đánh giá cao việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong việc xây dựng chính sách, bài học điển hình cũng như hỗ trợ kỹ thuật trong ASEM, cũng như thông qua các diễn đàn hợp tác đa phương khác...”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng có các cuộc tiếp xúc song phương với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lao động và Chính sách xã hội Bungari, Thứ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và một số các cuộc tiếp xúc khác.
Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua “Tuyên bố Sofia 2015” với các nội dung chính liên quan tới thúc đẩy kết quả thị trường lao động thanh niên, tăng cường việc làm bền vững và điều kiện làm việc an toàn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo an sinh xã hội...