Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cùng lên tiếng vì bình đẳng giới

           


Các đại biểu đã cùng chia sẻ chia sẻ về Bình đẳng giới 

Sự kiện bắt đầu với “Hành trình Lên tiếng về Bình đẳng giới”. Bốn chiếc xe bus mang thông điệp về chấm dứt bạo lực đối với với phụ nữ và trẻ em gái đã khởi hành từ bốn trường đại học và trung học phổ thông của Hà Nội (Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Giao thông Vận tải và Trường THPT Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh) mang theo Đại sứ của các nước Nauy, New Zealand và Thụy Sỹ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trưởng Đại diện của UN Women, Giám đốc Quốc gia của Plan International, cùng Hoa hậu Dương Thùy Linh và hơn 100 em học sinh, sinh viên của thành phố. Trong hành trình, các vị khác quý, các em học sinh  và sinh viên đã có cơ hội  chia sẻ các  thông tin về chủ đề Bình đẳng giới, sự an toàn của em gái, phụ nữ khi học tập, sinh sống tại thành phố, các rào cản đối với sự phát triển công bằng cho em gái và phụ nữ trong học tập và sự nghiệp. 
 
 

Nối tiếp hành trình là sự kiện chính diễn ra tại Trường Quốc tế Liên hợp quốc - UNIS, nơi hơn 400 đại biểu đã cùng chia sẻ chia sẻ về Bình đẳng giới của 10 diễn giả theo hình thức Pecha-Kucha mới lạ. Với tinh thần "Không bỏ lại ai phía sau" của các Mục tiêu Phát triển Bền vững, chương trình đã tạo ra một diễn đàn đa dạng tiếng nói về giới với đại diện của thanh thiếu niên, người khuyết tật, người nổi tiếng, cộng đồng LGBTIQ+, cộng đồng khoa học, những người làm việc trong cả lĩnh vực lao động chính thức và cả phi chính thức. 

Có thể nói rằng, “Lên tiếng vì bình đẳng giới”- cái nhìn đa chiều nơi mỗi diễn giả mang đến một tiếng nói với sắc màu riêng và góc nhìn riêng về bình đẳng giới. Trong cuộc chiến vì bình đẳng giới, mỗi người trong số chúng ta có thể hành động  khác nhau để mang lại sự thay đổi. 

Hoa hậu Phụ nữ Toàn Thế giới 2018 Dương Thùy Linh, một diễn giả của chương trình, chia sẻ: “Bình đẳng giới không chỉ là cuộc đấu tranh của tất cả chúng ta mà còn vì quyền lợi của mỗi chúng ta, không chỉ nữ giới mà cả nam giới. Không ai đáng phải sống một cuộc đời bị đóng hộp vai trò từ khi mới sinh ra. Mỗi chúng ta đều có quyền được lựa chọn và điều đó chỉ có thể xảy ra ở một xã hội có bình đẳng giới.”
 

Xe bus mang thông điệp về chấm dứt bạo lực đối với với phụ nữ và trẻ em gái 

Ngoài 10 diễn giả, chương trình còn có thêm những thảo luận cởi mở của các nữ lãnh đạo với khán giả về những trải nghiệm cá nhân vượt qua định kiến giới trên con đường trở thành những người phụ nữ thành công như ngày hôm nay. Sự kiện cũng tôn vinh ca sỹ/nghệ sĩ hoàng Bách vì những nỗ lực của anh trong vai trò đại diện hình ảnh của phong chào HeForShe - Vì những người phụ nữ quanh ta trong ba năm qua. 

Phát biểu tại sự kiện, bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women Việt Nam cho biết: “Chúng tôi muốn tạo ra một không gian nơi đối thoại xã hội thực sự có thể khơi gợi sự hiểu thấu và niềm cảm thông về cuộc đời của mỗi cá nhân và trải nghiệm của họ về bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử, cũng như về trao quyền và thay đổi. Một sự kiện để tôn vinh sự đa dạng của chúng ta, trải nghiệm độc nhất của chúng ta về giới, và đồng thời tìm ra những điểm chung giữa chúng ta.” 

“Lên tiếng vì Bình đẳng giới” là  sự kiện mở đầu Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày Hành động Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ và Trẻ em gái năm 2018 tại Việt Nam với chủ đề #HearMeToo. Sau sự kiện phát động chiến dịch, hàng loạt các sự kiện khác hưởng ứng Tháng hành động về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới của và Chiến dịch 16 Ngày hành động Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ và trẻ em gái sẽ diễn ra trên khắp cả nước để truyền tải tiếng nói mạnh mẽ của các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức dân sự xã hội và các nạn nhân trong cuộc chiến xóa bỏ tất cả các hình thức bạo lực giới.  
 
16 Ngày Hành động Chấm dứt Bạo lực giới là một chiến dịch toàn cầu do UN phát động. Hàng năm, chiến dịch bắt đầu vào ngày 25 tháng 11, Ngày Quốc tế về Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ, đến ngày 10 tháng 12, Ngày Quốc tế về Nhân quyền. Chiến dịch được khởi xướng bởi các nhà hoạt động tại Viện Lãnh đạo Toàn cầu của Phụ nữ lần đầu tiên vào năm 1991 và được phối hợp hàng năm bởi Trung tâm Phụ trách Lãnh đạo Toàn cầu của Phụ nữ. Chiến dịch được các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới sử dụng là cơ sở để kêu gọi phòng ngừa và loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. 

Vân Nhi/GĐTE