Dịch bùng phát mạnh, tinh thần “chiến đấu” phải mạnh hơn
Cho tới sáng ngày 31/7, đã có 93 người bị lây nhiễm. Đây không phải là điều bất ngờ vì ngày 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương về phòng, chống Covid-19 đã nói là cuộc chiến lần này khác lần trước. Cái khác đó là dịch lần này đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, lại chưa tìm được ca F0; thêm vào đó, chủng gây lây nhiễm là chủng mới, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, may mắn là độ độc hại của nó không tăng.
Trước tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân; các địa phương thực hiện nghiêm túc công điện của Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo. Theo đó, ngành y tế, tài chính và các địa phương cần bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, phương tiện, công cụ trong xét nghiệm cũng như cán bộ có liên quan; Phải đẩy mạnh truy vết và cách ly nhanh; Tăng cường các vị trí điều trị ở các bệnh viện Trung ương, bệnh viện Quân đội, các cơ sở điều trị ở nhiều nơi để xử lý chữa trị đối với bệnh nhân mắc bệnh nền rất nặng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh VGP
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng. Đặc biệt, cán bộ ngành y thể hiện tinh thần “chiến đấu” rất cao. Không thể không khâm phục khi các nữ thầy thuốc quyết định cắt phăng những mái tóc dài mượt mà đầy nữ tính để thuận tiện hơn trong việc chữa bệnh cứu người. Một số sinh viên trường y từ chối nghỉ hè để tham gia trực tiếp vào “cuộc chiến” chống Covid-19.
Ngay trong đêm 30/7, Bộ Y tế đã thành lập Bộ chỉ huy tiền phương với tên gọi “Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại Thành phố Đà Nẵng” để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân tại ổ dịch này. Đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời.
Hình ảnh vội vã khẩn trương của các y bác sĩ đến Đà Nẵng chống dịch gây xúc động trong cộng đồng. Ảnh KT
Cần nghiêm túc, tỉnh táo đánh giá tình hình để tránh sai lầm
Khi dịch Covid-19 đã lan rộng ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 17,5 triệu người nhiễm, 680.000 người tử vong; mỗi ngày có hàng trăm ngàn ca nhiễm mới và hàng ngàn người tử vong thì Việt Nam khó mà “giữ sạch” được. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận là có sơ suất để võ sư người Mỹ (bệnh nhân 449) và vợ (bệnh nhân 450) di chuyển từ Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh một cách khá thoải mái. May mắn là các bác sĩ ở TP. Hồ Chí Minh đã cảnh giác nên điều trị cho các bệnh nhân như ca nhiễm Covid-19 từ đầu.
Một việc nữa cũng cần phân tích kỹ càng xem đúng hay sai khi chúng ta điều các phương tiện giao thông để giải tỏa hết du khách khỏi Đà Nẵng? Một số người cho rằng, khi phát hiện Đà Nẵng là ổ dịch, đáng ra phải phong tỏa Đà Nẵng để tập trung xử lý những người có nguy cơ bị lây nhiễm ngay tại chỗ. Làm như vậy thì hạn chế được khả năng lây lan ra các địa phương khác. Đương nhiên, phong tỏa Đà Nẵng là một việc rất khó nhưng nếu quyết tâm thì vẫn làm được. Và cái chính là các địa phương khác đỡ lo lắng hơn. Ví dụ, đến thời điểm này Hà Nội có tới 32.000 người vừa từ Đà Nẵng trở về. Không ai bảo đảm tất cả những người này sẽ tự nguyện cách ly.
Cũng cần xem lại có hay không thái độ chủ quan sau 99 ngày không có ca nhiễm bệnh ngoài cộng đồng? Theo tôi, Chính phủ, Bộ Y tế không chủ quan nhưng một số chính quyền địa phương và người dân ở một số nơi đã có sự lơ là, mất cảnh giác. Chúng ta cũng hơi sốt ruột khi nhiều địa phương mở cửa, kích cầu du lịch; cho phép người dân sinh hoạt theo cung cách “bình thường cũ” chứ không phải theo tinh thần “bình thường mới”. Đây có thể cũng là một sơ hở.
Xem xét, phân tích, nhìn nhận lại một số hoạt động như vậy để rút kinh nghiệm chung chứ không phải để quy trách nhiệm cho cá nhân nào đó. Vì vậy, chúng ta cần làm nghiêm túc.
Hàng hóa thiết yếu được chuyển đến hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch. Ảnh KT
Thách thức lớn đang ở phía trước nhưng cần bình tĩnh, lạc quan
Sáng ngày 31/7, sau khi Bộ Y tế thông báo số lượng ca nhiễm mới, có một số cơ quan báo chí giật tít: “Sốc: Thêm 45 ca mắc Covid-19 tại các bệnh viện Đà Nẵng”. Đây là cái tít mà tôi cho là không nên xuất hiện trên báo chí vào lúc này. Với số lượng người nhiễm mới là 45 ca, có thể có những người dân bình thường sốc, còn với cán bộ y tế và các nhà báo thì khó có thể sốc vì những thông tin trước đó hoàn toàn cho phép dự đoán con số nhiễm mới sẽ cao. Tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện nay có thể nói là khá căng thẳng, vì vậy, báo chí không cần phải làm căng thẳng thêm.
Xin đừng quên là vào thời điểm này ở nhiều nơi đang kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8)! Trong 90 năm qua, ngành Tuyên giáo đã góp công không nhỏ vào hiệu quả tuyên truyền của báo chí – truyền thông. Không cần phải tìm đâu xa! Ngay trong giai đoạn 1 của “cuộc chiến chống” Covid-19, ngành Tuyên giáo cũng đã để lại dấu ấn khá đậm trong thành công bước đầu. Vì vậy, chúng ta cần phát huy điều này trong việc phản ánh, tuyên truyền và đưa ra giải pháp phòng chống Covid-19 hiện nay.
Báo chí cần thông tin một cách kịp thời, chính xác, khách quan để cơ quan chức năng và người dân bình tĩnh, tỉnh táo xử lý tình huống và tổ chức sinh hoạt hợp lý. Hơn thế nữa, chúng ta cần sự lạc quan để “chiến đấu” với dịch Covid-19 vì “cuộc chiến” này có thể kéo dài và ác liệt. Lạc quan sẽ cho chúng ta thêm sức mạnh và sự tỉnh táo – đây là những thứ cần thiết để sống và làm việc trong trạng thái “bình thường mới”.
Hồ Bất Khuất/GĐTE