Những năm đầu ở Đức, tôi đi bán hàng rong, là những năm tháng va chạm với cái vỉa hè.
Tới khi tuổi cao hơn, không chịu được sương giá, tôi thuê một gian hàng ở đường phố Stadt Teltow làm cửa hiệu. Cửa hàng có biển quảng cáo, nhưng tôi vẫn bày đồ ra ngoài, trên vỉa hè hai cái giá quần áo, hai cái giá đựng giầy, tất để bán. Những thứ bày biện ấy áp sát cửa hàng, chiếm dụng chỉ 1,5 m ra hè. Chỉ một ngày sau có nhân viên của thành phố thuộc Phòng quản lý trật tự tới nhắc nhở: Không được chiếm dụng vỉa hè.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Quận 1 TP. HCM chỉ đạo phá dỡ những công trình lấn chiếm vỉa hè (Ảnh minh họa)
Ở đây, đất nằm ngoài khu vực đất tư nhân là thuộc về nhà nước, của chính quyền địa phương quản lý và bất khả xâm phạm. Ai muốn sử dụng nó làm bất cứ điều gì phải có giấy phép có thời hạn.
Theo hướng dẫn, tôi tới Phòng quản lí trật tự đô thị xin sử dụng cái khoảng 2 mét rộng, 6 mét dài theo cửa hàng. Người ta phát cho tôi mẫu giấy để điền vào tờ khai và nhân viên lập tức bật máy tính để kiểm tra dữ liệu. Họ có luật rất rõ ràng, cụ thể, ví dụ vỉa hè rộng bao nhiêu thì cho phép địa phương được cho thuê. Tôi có giấy phép sử dụng phần hè đó ngay, sau khi đã nộp tiền thuê 12 mét vuông hè, mỗi tháng tương đương 60 euro cho phòng tài chính thành phố. Đó là diện tích lớn nhất tôi có thể thuê, vì chính quyền phải đảm bảo phần còn lại của vỉa hè đủ chỗ cho người dân đi lại.
Sống gần 30 năm ở Đức, buôn bán khắp hang cùng ngõ hẻm, tôi hiểu rằng, cái vỉa hè thuộc về người đi bộ. Không có chuyện đã có vỉa hè mà người đi bộ phải xuống lòng đường để tránh cái quầy hàng của ai đó. Ở Đức, anh không thể cự cãi lại nhân viên nhà nước. Họ nhắc anh tới lần thứ ba là có giấy phạt. Giấy phạt tới lần thứ hai không nộp là phải ra tòa. Mà đã ra tòa thì án phí rất cao nên người dân không dại gì vi phạm.
Từng bán rong, từng lấn chiếm vỉa hè, nên tôi rất quan tâm tới câu chuyện diễn ra tuần qua ở TP HCM. Hôm qua, Hà Nội cũng ra quân, đòi lại vỉa hè cho người đi bộ. Quan trọng hơn là tôi cảm thấy một không khí hưởng ứng, ủng hộ của người dân hai thành phố lớn đối với chủ trương đúng đắn này. Vỉa hè sinh ra là dành cho khách bộ hành. Vậy phải trả nó cho người ta chứ. Nhưng bản chất vấn đề này là ở đâu, tại sao cuộc chiến giành lại vỉa hè lại thách thức đến như thế?
Những cảnh tượng như thế này diễn ra thường xuyên: Xe phường lướt qua, quán xá người ta nép lại, thu gom bàn ghế, cốc chén. Rồi xe phường khuất tầm mắt, người ta ào ạt bày ra, còn xênh xang hơn trước. Công an, dân phòng thường xuyên có cảnh giành giật, co kéo với từng gánh hàng rong, nhưng đuổi chỗ này, người ta chạy chỗ khác.
Rốt cuộc, mọi thứ vẫn đâu vào đấy, chỉ có người đi bộ là bị đẩy xuống lòng đường, gây nguy hiểm cho cả khách bộ hành lẫn người điều khiển phương tiện giao thông.
Tại Hà Nội và TP HCM, không chỉ vài người bán hàng rong mà hầu khắp các đường phố tấp nập đều có các cửa hàng thi nhau chiếm dụng vỉa hè. Họ đều có địa chỉ, kể cả một bà bán xôi cũng có thể truy lùng qua chứng minh thư, mà xác lập tư cách quan hệ dân sự. Nhưng tất cả các quận huyện ở hai thành phố trên không nơi nào quản lý được một cách chính thức thành phần kinh tế này. Nhà nước không thu được một xu tiền thuế nào, thậm chí còn phải tốn tiền, tốn nhân lực cho những đợt dẹp trật tự một cách hình thức và tạm thời.
Bởi vì hiện tượng bảo kê của các cấp với các cửa hàng là có thật. Phạt thì cứ phạt, nhưng cứ đúng ngày đúng tháng là có ai đó tới thu tiền không hóa đơn, nhất là tại các quán ăn đông người, làm ăn thuận lợi. Nhà nước đã thất thu theo cách như vậy và công chức, cán bộ nhiều cấp đã thoái hóa trong môi trường như thế.
Rõ ràng, việc quản lý cái vỉa hè đã bị buông lỏng từ lâu. Lâu đến mức người ta sinh ra thái độ phản ứng khi ông Phó chủ tịch quận dẫn quân đi giành lại vỉa hè - giành lại thứ vốn không phải để tranh giành. Có những việc làm cụ thể của ông phó chủ tịch gây tranh cãi, nhưng tôi chắc chắn rằng, đây là một chủ trương đúng, cần làm đến nơi đến chốn, để chấm dứt hẳn những cảnh không đẹp mắt vẫn diễn ra ngày này qua ngày khác. Chúng ta không muốn nhấp nhổm ngồi ăn trong những quán hàng không biết lúc nào có xe phường vụt qua, không muốn chứng kiến cảnh giành giật, xô xát giữa công an, dân phòng với những người bán hàng rong.
Tôi nghĩ, chúng ta còn cần một có luật và các quy định dưới luật hướng dẫn chi tiết về việc quản lý đô thị, quản lý cái vỉa hè. Nếu sai, nếu vi phạm, phải phạt thật nặng để vỉa hè được dành hẳn cho dân, cho người đi bộ. Theo tôi đấy là vấn đề mấu chốt, vấn đề cần phải làm lâu dài chứ không thể để chỉ có vài mét vỉa hè mà ầm ĩ như mấy ngày qua.
Vỉa hè là thứ rất nhỏ, quyền được sử dụng vỉa hè một cách chính đáng của người đi bộ cũng là thứ quyền lợi rất nhỏ so với vô số quyền lợi khác mà người dân cần được hưởng. Nếu những việc nhỏ này vẫn không thể giải quyết và quản lý được thì chưa thể nói tới những việc lớn và khó hơn.