Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cuộc đời vinh quang và nước mắt của cô đào nổi tiếng một thời

Từng là cô đào nổi tiếng một thời của làng cải lương Việt Nam, giờ đây ở tuổi xế chiều của NSƯT Thanh Nguyệt đang phải chống chọi với bệnh tật.

 

Vốn bản tính hiền lành, không bon chen danh lợi, là người biết trước biết sau nên NSƯT Thanh Nguyệt luôn sống hết mình vì người khác. Bà kể về cuộc đời và sự nghiệp của mình một cách rất nhẹ nhàng, bình thản, như cách mà mọi người yêu quý bà bấy lâu nay.
Mờ mắt vẫn bám sàn diễn
Đến con hẻm nhỏ trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP.Hồ ChíMinh), hỏi thăm nhà NSƯT Thanh Nguyệt ai cũng biết, bởi người dân nơi đây đã quá quen thuộc với hình ảnh một đôi vợ chồng già đèo nhau trên chiếc xe Dream cũ kỹ, khiến bao người xúc động và ngưỡng mộ.
Ấn tượng đầu tiên khi gặp NSƯT Thanh Nguyệt chính là gương mặt toát lên vẻ phúc hậu, hiền từ cùng mái tóc dài được búi gọn phía sau theo kiểu các bà mẹ miền Nam của bà. Dáng dấp ấy cũng hiện diện trong hầu hết các vai diễn mà bà thể hiện.
 Năm 16 tuổi, Thanh Nguyệt bén duyên với sân khấu cải lương từ những vai diễn nhỏ, để rồi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng sau đó - Ảnh: T.L
Có lẽ ít ai biết được rằng con đường đến với nghệ thuật của NSƯT Thanh Nguyệt cũng lắm trắc trở. Năm 16 tuổi, bà chính thức bước lên sân khấu với vai trò là người làm nền để tôn lên vẻ đẹp lộng lẫy cho những cô đào, anh kép đang hóa thân vào vai ông hoàng, bà chúa trong vở tuồng.
Đêm đêm, Thanh Nguyệt ngồi bên cánh gà, theo dõi và học lối diễn của các nghệ sĩ đàn anh đàn chị. Không ngừng quyết tâm và phấn đấu, Thanh Nguyệt dần được giao những vai diễn lớn hơn và được khán giả nhớ đến qua một số vở cải lương như: Áo cưới trước cổng chùa, Thiên hạ đệ nhất kiếm, Song long thần chưởng, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Lan và Điệp, Bóng tối và ánh sáng…
Với hơn 50 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật cải lương, NSƯT Thanh Nguyệt đã tham gia hàng trăm tuồng hát, hàng nghìn suất diễn trên các sân khấu, nhưng để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả nhiều nhất chính là vai bà mẹ của nàng Xuân Tự (Lệ Thủy thủ vai) trong vở Áo cưới trước cổng chùa.
Khi được hỏi vai diễn mà bà yêu thích nhất, Thanh Nguyệt khẳng định: “Tôi đã khóc từ khi đọc kịch bản. Hay từ nội dung cho tới lời thoại. Soạn giả Kiên Giang viết câu nào cũng đầy chất văn học, đọc mà thấm, mà ngọt ngào. Trong đó, vai bà mẹ mà tôi diễn dẫn dắt khán giả trải qua mọi cung bậc cảm xúc, cười đó rồi khóc đó".
Sau khi ngưng diễn ở đoàn cải lương Trần Hữu Trang, NSƯT Thanh Nguyệt được mời đóng kịch, phim truyền hình. Và bà đã trở thành gương mặt quen thuộc trong rất nhiều phim truyền hình nổi tiếng như: Người con gái đất đỏ, Ngã rẽ cuộc đời, Ký túc xá… và gần đây nhất là Trở về 3. Nhờ tài hóa thân tuyệt vời, bà đóng đa dạng các loại vai khác nhau cũng như gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem.

 

Nghệ sĩ Thanh Nguyệt được khán giả nhớ đến qua các vở cải lương như "Áo cưới trước cổng chùa", "Thiên hạ đệ nhất kiếm", S"ong long thần chưởng"… - Ảnh: T.L

 

Chia sẻ kinh nghiệm diễn xuất thành công những vai bà mẹ hiền lành có số phận đau khổ, NSƯT Thanh Nguyệt cho biết mỗi lần cất tiếng hát, bà đều nhớ đến hình ảnh của mẹ bà. Hơn nữa, theo bà, người nghệ sĩ ngoài tài năng còn phải biết hi sinh cho vai diễn, dành thời gian tìm hiểu và đồng cảm với số phận nhân vật mới có thể thành công.
Nhiều năm nay, nghệ sĩ Thanh Nguyệt mang trong mình nhiều căn bệnh nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng bất cứ nào như: bệnh tim, cao huyết áp, xuất huyết võng mạc, máu nhiễm mỡ, giãn tĩnh mạch… nhưng lại không có đủ tiền thuốc thang, chạy chữa. Cuối tháng 5 vừa qua, bà phải đi cấp cứu trong tình trạng huyết áp tăng cao cùng bệnh tim mạch khiến bà khó thở và suýt mất mạng nếu không kịp thời nhập viện.
“Vào khoảng 6 giờ chiều tối hôm đó, đột nhiên tôi thấy có một thứ gì đó che hết một con mắt bên phải dù không thấy dấu hiệu bị xốn cộm. Hoảng sợ quá, tôi đi hỏi mọi người xem có thấy gì trong mắt tôi không, nhưng vẫn không tìm thấy. Sau đó, tôi lấy máy đo mới biết huyết áp tăng cao lên mức 180 nên vội lấy thuốc uống ngay. Lo sợ bị xuất huyết não, tôi nhờ con trai chở vào Bệnh viện 175 cấp cứu ngay trong đêm để bác sĩ theo dõi. Lần đó, tôi nằm viện hơn một tuần lễ, họ chăm sóc chu đáo lắm”, NSƯT Thanh Nguyệt kể lại.
Hệ quả của bệnh tăng huyết áp khiến NSƯT Thanh Nguyệt bị xuất huyết võng mạc nên mắt phải không còn nhìn thấy rõ, buộc phải tiêm thuốc hơn 6 tháng qua nhưng máu bầm vẫn chưa tan. Bên cạnh đó, bà còn điều trị nhiều căn bệnh khác, mỗi tháng một lần bà vào Bệnh viện quận Bình Thạnh nhận thuốc điều trị bệnh tim, máu nhiễm mỡ, theo chế độ bảo hiểm y tế. Số tiền điều trị hằng tháng lên đến 2 triệu đồng, trong khi thu nhập của gia đình thì bấp bênh, không ổn định.

 

Thanh Nguyệt và Lệ Thủy trong vở Áo cưới trước cổng chùa - Ảnh chụp màn hình

 

Lúc trước, NSƯT Thanh Nguyệt gần như phải cáng đáng hết cuộc sống của cả nhà. Tuy nhiên, do sức khỏe không đảm bảo, đi đứng khó khăn vì mắt bị mờ nên bà hạn chế nhận lời đóng phim, đóng kịch tránh làm ảnh hưởng đến mọi người. Phần vì thấy người bạn đời đưa rước, nắng mưa gió bụi gật gà trên xe, bà xót. Kể từ đó, mức thu nhập của hai vợ chồng khá bấp bênh, luôn thiếu trước hụt sau.
Không giống các nghệ sĩ khác, mỗi lần “thập tử nhất sinh” Thanh Nguyệt vẫn giữ kín và không hề tiết lộ với khán giả, bạn bè đồng nghiệp, bởi bà biết đa số những nghệ sĩ đều có hoàn cảnh khó khăn, riêng những trường hợp khá giả chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nói về mong muốn của mình, từ tâm can, NSƯT Thanh Nguyệt cho biết: “Nói chung, tôi cũng không thoát khỏi cảnh sống chật vật như anh em trong giới nghệ sĩ, nhìn lên mình không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình, thôi thì mình sống an phận đi. Tôi may mắn được Tổ nghề phù hộ, được khán giả thương yêu. Chừng này tuổi vẫn còn được sống với nghề. Hễ khán giả gặp là nắm tay, xuýt xoa: Trời ơi, cô Thanh Nguyệt ở ngoài còn đẹp và sang hơn trên phim nữa!”.
Qua hai “lần đò” và bến đỗ hạnh phúc
NSƯT Thanh Nguyệt tên thật là Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, sinh năm 1947, tại Bạc Liêu. Mặc dù sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật, nhưng từ nhỏ, bà được nhiều người khen có chất giọng trầm giàu cảm xúc nên có nhiều triển vọng. Năm 16 tuổi, Thanh Nguyệt bén duyên với sân khấu cải lương từ những vai diễn nhỏ, để rồi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng như hiện nay.
Mẹ của Thanh Nguyệt mê cải lương nhưng khi nghe con gái theo gánh hát thì bà khóc ngất. Bà lo thân con gái mới mười mấy tuổi đầu phải xa nhà đi theo gánh hát, "rầy đây mai đó hỏi sao mà không lo cho được". Nhưng chỉ vài năm sau, khi Thanh Nguyệt cùng đoàn Hoa Sen đang hát ở Vạn Giả thì bà hay tin mẹ bà đã qua đời. Lúc đó, Thanh Nguyệt không có tiền về quê. Các nghệ sĩ trong đoàn phải gom tiền giúp đỡ bà mới có đủ tiền mua vé xe về quê chịu tang mẹ. Do đường xá thời đó rất khó di chuyển, bà phải mất đến 9 ngày mới kịp nhìn mặt thân mẫu lần cuối.
Mẹ mất, kể từ đó cuộc sống của Thanh Nguyệt vất vả gấp bội phần vì phải thay đổi gánh hát liên tục với quyết tâm đi hát kiếm tiền nuôi các em khôn lớn nên người. Chưa kể những ngày các em ngã bệnh, bà phải ngược xuôi vay tiền khắp nơi để lo thuốc thang cho các em. 

 

Bất chấp những thăng trầm cuộc sống, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nguyệt và Quốc Nhĩ vẫn yêu thương nhau như ngày đầu - Ảnh: Linh huỳnh

 

Là thân con gái, dù mạnh mẽ, can trường đến mấy cũng cần một bờ vai để nương tựa. Đúng lúc ấy, soạn giả Mộc Linh ngỏ lời nên duyên thì Thanh Nguyệt gật đầu đồng ý với mong muốn mở ra những trang vui trong cuộc đời. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi kết hôn và sinh con trai đầu lòng, nữ nghệ sĩ đã quyết buông tay sau nhiều lần gắng gượng, chịu đựng bởi vì chồng bà mê "men” hơn mê vợ, vui thú bên những bóng hồng xinh đẹp, bỏ mặc người vợ trẻ bên mâm cơm nguội lạnh.
Kiếp nghệ sĩ sống đời nổi trôi, rày đây mai đó, Thanh Nguyệt cố kìm lòng gửi con trai cho người chị chăm sóc, để con được học hành đàng hoàng. Sau những buổi diễn thành công, đêm đến nằm nhớ con, Thanh Nguyệt chỉ biết khóc thầm.
Những tưởng cánh cửa hạnh phúc đã khép lại, rồi do duyên số mà Thanh Nguyệt gặp nghệ sĩ Quốc Nhĩ (chồng của NSƯT Thanh Nguyệt bây giờ). Khi biết Quốc Nhĩ có tình ý, Thanh Nguyệt rất đỗi phân vân, bởi bà không biết liệu ông có bao dung, có thương đứa con trai riêng của bà không? Cuối cùng, sự chân thành của ông đã thuyết phục được bà. Được nghệ sĩ Thanh Nga se duyên, họ kết thành đôi. Ít ai biết được rằng khi Thanh Nguyệt đi lưu diễn xa, chính một tay nghệ sĩ Quốc Nhĩ đứng ra chăm sóc con riêng của vợ chẳng khác nào con ruột.
Ở tuổi xế chiều, hai vợ chồng hủ hỉ với nhau trong căn nhà nhỏ ở quận Gò Vấp. Do NSƯT Thanh Nguyệt không biết chạy xe nên ông trở thành tài xế riêng của bà. Dù phải đưa đi, đón về thường xuyên nhưng ông không một lời than thở. Đi làm, đi bệnh viện, đi từ thiện, ông bà luôn có đôi. Lúc NSƯT Thanh Nguyệt ở nhà thì ông lo trong ngoài, để bà đỡ bận bịu, có thời gian học kịch bản. Bất chấp những thăng trầm cuộc sống, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nguyệt và Quốc Nhĩ vẫn yêu thương nhau như ngày đầu…